Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Từ một người say mê âm nhạc truyền thống, Phạm Văn Sây đã trở thành “Nghệ nhân ưu tú”

09/12/2022 17:41    96

Anh Phạm Văn Sây kể về tình yêu âm nhạc truyền thống của mình

Với sự đam mê cháy bỏng với âm nhạc truyền thống của người Hrê, để rồi từ đó anh Phạm Văn Sây đã nỗ lực học hỏi và đã trở thành một nhân vật truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ ở xã Ba Thành và các địa phương lân cận, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị của văn hóa dân tộc Hrê.

Anh Phạm Văn Sây, năm nay 39 tuổi, ở  thôn Làng Teng, xã Ba Thành có vóc dáng chắc, khỏe, mái tóc xoăn, dài mang dáng dấp của nghệ sĩ nơi đại ngàn. Không chỉ am hiểu về chiêng và chơi chiêng điêu luyện, anh Sây còn nổi tiếng là người hát Ca Lêu, Ca Choi rất hay và từng đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, anh còn sử dụng thành thạo một số nhạc cụ tre, nứa, trong đó có chiêng tre của người Hrê, còn gọi là chinh kala.

Say mê âm nhạc truyền thống của người Hrê từ nhỏ, nên anh Sây thường hay lân la tới những người rành nhạc cụ của người Hrê để nghe và theo dõi cách chơi, cách chế tác các nhạc cụ. May mắn của anh Sây là được sinh ra ở một ngôi làng hội tụ đầy đủ các loại hình văn hóa truyền thống của người Hrê, trong một gia đình mà các thành viên luôn có ý thức giữ lửa đam mê với chiêng. Năm 14 tuổi anh đã biết đánh chiêng và một vài loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống của người Hrê. Từng có thời gian, nhiều người bạn biết anh có niềm đam mê âm nhạc, hát hay nên  khuyên anh nên đi học các nhạc cụ hiện đại, biểu diễn ở các đám cưới, có thu nhập cao, cải thiện đời sống gia đình. Thế nhưng, đi ngược lại với suy nghĩ ấy, anh vẫn dành thời gian tìm đến những nghệ nhân nổi tiếng ở xã Ba Thành và xã lân cận như Ba Vinh để tìm hiểu về các giá trị văn hóa của người Hrê, trong đó có Chiêng Ba.

Anh Phạm Văn Sây tham gia tại Liên hoan cồng chiêng, đàn, hát dân ca và Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi năm 2020

Càng tiếp xúc với nhạc cụ truyền thống, anh càng say mê và quyết tâm học và chơi thành thạo các loại nhạc cụ của người Hrê. Năm 20 tuổi anh đã chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ của người Hrê, ngoài ra anh còn tham gia hát các làn điệu Ca Lêu, Ca Choi tại các hội thi trong và ngoài tỉnh và đã đạt nhiều giải cao. Năm 2020, tại Liên hoan cồng chiêng, đàn, hát dân ca và Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi, các tiết mục có anh cùng các  diễn viên quần chúng người Hrê của huyện Ba Tơ đã thể hiện rất độc đáo, mang tính nghệ thuật truyền thống cao, đã tạo sự thích thú, hấp dẫn, lôi cuốn người xem, được ban giám khảo đánh giá rất cao. Kết quả Đoàn của huyện Ba Tơ đạt giải nhất toàn đoàn về văn nghệ. Tại Liên hoan Văn nghệ quần tỉnh Quảng Ngãi năm 2021, cụm phía nam tại thị xã Đức Phổ, anh cùng đội  văn nghê quần chúng của huyện Ba Tơ biễu diễn tiết mục “Đi tìm men say của Giàng”  và tiết mục “Ru con trên chân”. Bằng làn điệu dân ca của người Hrê bay bổng, bằng cách trình chiêng ba độc đáo, say đắm  lòng người của anh, đã góp phần làm cho các tiết mục của đội Ba Tơ thành công rực rỡ. Kết quả, đội Ba Tơ đã đạt 2 giải A và 2 giải B. Hầu như các hội thi văn nghệ quần chúng anh đều tham gia. Trên sân khấu anh luôn cháy hết mình các với tiết mục biểu diễn. Theo anh, mình đã tham gia thì phải biểu diễn hết mình. Phải làm sao cho tiếng hát, tiếng chiêng đi vào lòng người. Tiếng chiêng ngoài đúng điệu, phải có hồn, ngân xa, bay xa mới thấy thỏa mãn.

Không chỉ am hiểu về chiêng và chơi chiêng điêu luyện, nhiều năm nay anh luôn tích cực truyền cảm hứng, đánh thức trách nhiệm và tình yêu với văn hóa dân tộc đến nhiều người trẻ ở địa phương và các xã lân cận. Với anh, dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ là bằng cả tâm huyết, giống như các thế hệ đi trước đã truyền lửa cho anh. Anh không mở lớp, nhưng khi  có người nhờ chỉ cách đánh chiêng, chỉnh chiêng là anh luôn sẳn sàng. Thậm chí, khi nghe các thanh niên chơi chiêng chưa đúng nhịp, hoặc chưa có hồn là anh luôn tìm cách chỉ dạy cho giới trẻ. Với cống hiến của mình cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của người Hrê, vừa qua, anh Phạm Văn Sây đã vinh dự được Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Mong rằng, anh Sây sẽ tiếp tục phát huy tài năng và có nhiều đóng góp hơn nữa để cùng với huyện nhà từng bước đưa nghệ thuật hát dân ca của người Hrê sớm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo dự định trong thời gian đến.

                                                                                   Hữu Phát

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1858

Tổng số lượt xem: 4022878