Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

CẢM NHẬN LÝ TƯỞNG SỐNG TỪ TẤM GƯƠNG LIỆT SĨ ĐẶNG THÙY TRÂM

27/07/2021 05:24    7846

Hình ảnh Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm (ảnh sưu tầm)

Nữ bác sỹ - liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm cùng cuốn nhật ký và hành trình của nó lay động biết bao thế thệ Việt Nam hôm nay và cả lương tri cả nhiều người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tấm gương của chi và hành trình đưa cuốn nhật ký về với đất mẹ yêu thương từ hơn nữa vòng trái đất mang tính nhân văn sâu sắc; đã khơi dậy ở thế hệ trẻ nói chung và mỗi cán bộ, chiến sỹ chúng ta những ấn tượng tốt đẹp, những suy nghĩ và nhận thức về lý tưởng sống và trách nhiệm của người quân nhân từ hình ảnh của chị Trâm về :” Tình yêu thương và sự dâng hiến”.

Cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” mà một thời tạo nên cơn sốt trên thị trường sách Việt Nam với số lượng gần 400.000 bản từ Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2005 và nhiều nhà xuất bản khác- một kỷ lục rất hiếm hoi đối với thị trường sách Việt Nam. Với lứa tuổi thanh niên nói chung và lứa tuổi của những chiến sỹ hôm nay, hình ảnh chị Trâm thật gần gũi, đời thường và dễ đi vào lòng người từ dáng vẽ bình dị, thánh thiện, giàu tình cảm và đức hy sinh…Trong cuộc sống thời hội nhập với nhịp sống ồn ào náo nhiệt, sự cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường, rồi nếp sống của thanh niên ngày càng thay đổi, cùng với sự năng động, sáng tạo, thích khám phá, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm thì cũng có một bộ phận bị lôi cuốn với lối sống thực dụng, đua đòi, ích kỷ thậm chí tha hoá… Vì thế,  hình ảnh và nhân cách chị Trâm thật đáng trân trọng và rất cần học tập. Hôm ấy trời mưa, khi công chiếu bộ phim “Đừng đốt” ở đơn vị tôi, nhưng cả sân chào cờ (nơi tổ chức chiếu phim) bỗng như lặng yên vì xúc động, chăm chú dõi theo hình ảnh chị Trâm (nữ diễn viên Minh Hương đóng) mỏng manh dịu dàng, nhân hậu tận tuỵ chăm sóc và bảo vệ các anh thương binh, những tâm tư, tình cảm, tình yêu, nỗi nhớ nhung mong mỏi lẫn buồn phiền. Rồi những người của phía bên kia (là người lính Mỹ Fred và người lính nguỵ Nguyễn Trung Hiếu) nhưng đã ý thức được tính phi nghĩa và sự tàn ác của chiến tranh do Mỹ gây nên với câu nói đã góp phần nâng tầm cuốn nhật ký Đặng Thùy trâm “Đừng đốt. Trong đó có lửa”.

Chị Trâm của chúng ta là người có thật trên đời, con người bằng xương bằng thịt, thật bình dị từ hình dáng đến tính cách, rất đời thường nhưng cũng sâu sắc và giàu tình yêu thương, đức hy sinh. Có người cho rằng sự hy sinh của chị chẵng qua cũng như hàng vạn liệt sỹ khác đã cống hiến cho nền độc lập tự do của quê hương đất nước. Nói như thế cũng đúng nhưng chưa đủ, chúng ta nói nhiều về chị trước hết là sự trân trọng đối với một liệt sỹ, bởi sự hi sinh nào cũng rất đáng trân trọng. Chị là một đại diện cho biết bao sự mất mát hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để có nền độc lập như hôm nay. Và ở chị rất đáng trân trọng của một nhân cách sống, biết yêu thương, biết cống hiến, thậm chí không quản gian khổ trước mưa bom lửa đạn vì những anh thương binh, những người bệnh. Trong khi đó chị lại là một cô gái chân yếu tay mềm, trước đây chỉ biết ăn học, xuất thân trong một gia đình trí thức, bước vào một chiến trường ác liệt ở Đức Phổ - Quảng Ngãi. Và chị đã hy sinh trong một trận càn của giặc trong quá trình di chuyển thương binh vào hầm trú ẩn. Chị rất đời thường ở chỗ cũng có tình yêu và ray rứt khi tình yêu không tròn, cũng buồn phiền khi cấp trên nhìn nhận thiếu công bằng về chị, nhưng chị vẫn giữ được sự vô tư trong sáng, vẫn phấn đấu, tận tuỵ trong công việc cứu người, vẫn thầm lặng viết những trang nhật ký mà đâu ngờ được hành trình của nó ly kỳ, có ý nghĩa đến vậy. Trang nhật ký của chị đã lay động lương tri của cả những người bên kia chiến tuyến, rồi tìm về được với gia đình từ lương tri đó sau mấy chục năm trời. Đây chính là bức tranh rất hiện thực về hình ảnh tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh ác liệt và tàn khốc, hình ảnh chị Trâm là vẻ đẹp đáng tự hào về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh cũng như nhịp sống hối hả ngày nay. Thử hỏi tuổi trẻ Việt Nam sao không động lòng, người chiến sỹ hôm nay sao không cảm động và học tập từ sự cống hiến và hy sinh ấy. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “… Có cái chết hoá thành bất tử/ Có những người do chân lý sinh ra/ Có những lời hơn mọi bài ca.”

Để tri ân các anh hùng, liệt sĩ, Đảng, Nhà nước, Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách để giúp đỡ bản thân hoặc thân nhân của họ, như các chế độ chính sách theo Quyết định 142, 188, 290, 62 hay mới đây là Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ đối với các đối tượng tham gia các chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế và giúp nước bạn, đề án quy tập mộ liệt sĩ... Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng và đưa vào hoạt động ở......, huyện Đức Phổ là một sự tri ân  đối với hy sinh của chị, là điểm nhấn để nhắc nhở chúng ta hôm nay về tấm gương hi sinh của chị, về lý tưởng sống cao của những con người một thời bom đạn, gian khổ.

Cuộc sống ngày hôm nay có thể đã khác xa với thời kỳ của chị, thời bom đạn ác liệt của chiến trường. Thế nhưng vẫn có nhưng người quân nhân thầm lặng cống hiến và đã hi sinh đau thương nhưng đáng tự hào như hình ảnh bộ đội, công an bang mình trong bảo lũ cứu dân, thậm chí nhiều đồng chí hy sinh như ở Rào Trăng3 và một số điểm lũ miền trung năm 2020, LLVT và đội ngũ y bác sĩ không quản gian nguy trong tuyến đầu chống dịch Covid-19 trong cả nước, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Ba Tơ chúng ta…. Những sự cống hiến và hi sinh đó là phẩm chất đẹp và tồn tại  mãi với thời gian, là cẩm nang, là nguồn cỗ vũ cho thanh niên Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, để chúng ta tránh xa lối sống thờ ơ, vô trách nhiệm với xã hội, có lối sống thực dụng, ích kỷ với chủ nghĩa cá nhân còn đè nặng trong tư tưởng và nhận thức. Mong muốn rằng tuổi trẻ hôm nay nói chung tuổi trẻ huyện Ba Tơ nói riêng, nhiều người sẽ tìm đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, được thông tin và hiểu nhiều về những cuộc đời như cuộc đời của chị Đặng Thuỳ Trâm, từ đó có nhận thức và hành động sao cho thật ý nghĩa với cuộc sống, với cơ quan, đơn vị mình. Đó là sự vun đắp cho người chiến sỹ cách mạng, người thanh niên về lý tưởng sống, về tư tưởng, tình cảm, niềm tin và ý chí để chúng ta càng vững tin phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

 NGUYỄN VI TOÀN (Ban CHQS huyện)

                                                    

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1130

Tổng số lượt xem: 3990609