Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Nghề dệt thổ cẩm Làng Teng, một di sản cần phải được bảo tồn

04/11/2022 20:34    2594

Sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm làng Teng

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 25/9/2019, từ đây nghề dệt thổ cẩm làng Teng có cơ hội rất lớn để phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, nghề truyền thống này hiện còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước xu hướng thay đổi mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại và những vấn đề về giá trị sản phẩm gắng với thị trường tiêu thụ.

Làng Teng, xã Ba Thành là nơi duy nhất của người Hrê ở Quảng Ngãi còn giữ được nghề truyền thống độc đáo này. So với các dân tộc thiểu số khác ở Quảng Ngãi thì đời sống văn hóa tinh thần của người Hrê rất phong phú và đa dạng. Thôn Làng Teng hiện có hơn 200 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Hrê. Từ khi sinh ra đã thấy người mẹ bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên tấm khố, khăn choàng. Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm màu. Và cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của người Hrê, Làng Teng.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê, xã Ba Thành đã tạo nên những sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày như may trang phục váy, áo cho phụ nữ; khố, áo cho đàn ông; khăn đội đầu, tấm đắp, tấm địu con, túi đựng đồ dùng và các sản phẩm khác làm từ thổ cẩm là những sản phẩm cần thiết cho sinh hoạt của các gia đình, giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống còn thể hiện nét văn hóa truyền thống, trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt Hrê, được lưu truyền từ lâu đời và được bảo tồn, phát triển. Mỗi một sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Hrê không chỉ là một sản phẩm hàng hóa thông thường mà còn là sản phẩm tinh thần để người thợ dệt gửi gắm tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình.

Du khách đến tham quan và mua sản phẩm dệt thổ cẩm Làng Teng

Nghề dệt và sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người Hrê Ba Tơ, thể hiện qua cách tạo hình hoa văn trên sản phẩm dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống của người Hrê. Hoa văn trên đồ dệt thổ cẩm là những họa tiết gắn liền với thiên nhiên núi rừng, sông nước, cây cối, hoa lá và các hoa văn hình học cách điệu như những đường viền màu song song, hình tam giác cân, các hình vuông xếp cạnh nhau. Màu sắc có đen, đỏ, trắng làm chủ đạo. Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê ở Ba Tơ được hình thành từ rất lâu đời, đến nay vẫn còn giữ nhiều giá trị truyền thống, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người Hrê. Tuy nhiên, Nghề dệt hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do dòng chảy của cuộc sống hiện đại, đại đa số lớp trẻ hiện nay không mấy mặn mà với nghề truyền thống của dân tộc mình. Chỉ còn một số ít theo nghề của ông bà, cha, mẹ truyền lại. Một số nghệ nhân trong làng nay đã lớn tuổi hoặc đã mất nên nên việc truyền dạy lại nghề cho thế hệ sau gặp nhiều khó khăn, mặc khác giá trị về mặt kinh tế đối với loại sản phẩm này hiện chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Trước thực trạng trên, nhằm bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hoá độc đáo của Nghề dệt thổ cẩm Làng Teng. Ngày 25/9/2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Nghề dệt thổ cẩm Làng Teng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đây, Nghề dệt đã có cơ hội trở mình và tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian đến. Chị Phạm Thị Say, thôn Làng Teng, xã Ba Thành bộc bạch: “Em học nghề từ nhỏ và bây giờ đã biết dệt nhiều loại sản phẩm. Riêng tấm choàng chưa dệt được nên còn phải học nhiều. Mỗi khi dệt hoàn thành một sản phẩm là vui lắm”.

Bà Phạm Thị Say, ngồi giữa đang cùng với các thiếu nữ trong Làng dệt thổ cẩm

Sản phẩm thổ cẩm Làng Teng đã và đang nằm trong kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch của huyện Ba Tơ nói riêng và Quảng Ngãi nói chung. Đồng chí Lữ Đình Tích, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: “Từ sau khi nghề được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia, huyện tăng cường mở lớp hướng dẫn nghề. Huyện tiếp tục thông qua các cơ quan truyền thông để quảng bá về nghề dệt thổ cẩm để bà con sống được với nghề. Đồng thời tăng cường việc dạy nghề”.

Nghề dệt thổ cẩm của người H’rê ở huyện Ba Tơ đã tồn tại qua thời gian và đang được huyện quan tâm phát triển. Sắc màu thổ cẩm của người làng Teng không chỉ đáp ứng nhu cầu trang phục mà đang trên đường chinh phục du khách trong và ngoài tỉnh  khi về thăm vùng quê cách mạng, vùng quê Ba Tơ 02 anh hùng.

                                                            Tấn Minh

 

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1283

Tổng số lượt xem: 3921240