Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2015 ĐẾN NAY

16/09/2021 05:55    50

Công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ba Tơ thời gian qua đã nỗ lực phấn đấu, phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành, từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng và thu được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt; các chế độ, chính sách đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện kịp thời; kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện rõ rệt; đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã từng bước tiếp cận những thành tựu của khoa học kỹ thuật, cán bộ công chức, con em người DTTS đã được đào tạo cơ bản; thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 5% đến 7% năm; tỷ lệ hộ dùng điện thường xuyên, an toàn từ điện lưới quốc gia ở 19 xã, thị trấn là 98,1%; các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được nhà nước quan tâm phục dựng, trùng tu, bảo tồn và phát huy, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trong giai đoạn 2015 đến nay, UBND huyện thực hiện quản lý điều hành 568 lượt công trình với tổng nguồn vốn 1.118 tỷ đồng ở hầu hết các lĩnh vực phục vụ an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết vùng sản xuất, giao thương hàng hóa…, trong đó: Công trình giao thông 568 tỷ đồng chiếm 50,81% tổng vốn với 253 lượt công trình; công trình giáo dục 140 tỷ đồng chiếm 12,52% trên tổng vốn với 93 lượt công trình; công trình văn hóa 90 tỷ đồng chiếm 8,05% trên tổng vốn với 86 lượt công trình; công trình y tế 4 tỷ đồng chiếm 0,36% tổng vốn với 06 lượt công trình; công trình phục vụ cho hoạt động nhà nước (trụ sở và các công trình phụ trợ) 64 tỷ đồng chiếm 5,72% tổng vốn với 14 lượt công trình; công trình thủy lợi (kênh, kè, đập) phục vụ sản xuất nông nghiệp 140 tỷ đồng chiếm 12,52% tổng vốn với 88 lượt công trình; công trình nước sinh hoạt 9 tỷ đồng chiếm 0,81% tổng vốn với 08 lượt công trình; công trình phúc lợi xã hội khác (các khu tái định cư tập trung, nghĩa địa thôn) 103 tỷ đồng chiếm 9,21% tổng vốn với 20 công trình.

Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được quan tâm lập, phê duyệt, đến nay bình quân mỗi xã đạt 11,83 tiêu chí, có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn 15-18 tiêu chí, 13 xã đạt chuẩn 10-14 tiêu chí, 02 xã đạt chuẩn 5-9 tiêu chí. Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên; quy mô trường, lớp học ở các bậc học được mở rộng và phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu giáo dục đào tạo ở địa phương, hiện nay có 11 trường đạt chuẩn quốc gia; chính sách hỗ trợ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh người DTTS được thực hiện với tổng kinh phí 248.246.988 đồng. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn huyện luôn được chú trọng; mạng lưới y tế tuyến huyện và các xã, thị trấn luôn được củng cố, chất lượng hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực hiện có 18/19 trạm y tế xã, thị trấn đã được xây dựng kiên cố đạt chuẩn về cơ sở vật chất; 17/19 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 89,47%; hàng năm phối hợp triển khai thực hiện công tác tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ từ 15 - 49 tuổi tại các xã đặc biệt khó khăn có mức sinh cao trên địa bàn huyện, thực hiện hỗ trợ kinh phí cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1.3 tỷ đồng.

Công tác đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức được quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả, đã góp phần từng bước chuẩn hóa chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số ở cơ sở. Công tác luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử được xem xét, thực hiện đúng quy trình (luân chuyển 15 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý có 08/15 đồng chí là cán bộ người dân tộc thiểu số). Công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, Đến nay, toàn Đảng bộ huyện có 3.857 đảng viên trong đó số đảng viên là người dân tộc thiểu số là 2.544 đảng viên, chiếm tỷ lệ 65,95%.

Nhìn chung, công tác dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, các chương trình, chính sách, dự án được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Thời gian tới để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác dân tộc trong vùng đồng bào DTTS cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt chính sách dân tộc. Tập trung tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và ý thức tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số về Nghị quyết 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc vững mạnh; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tiếp tục phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào DTTS với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới; đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; ngăn chặn có hiệu quả vấn đề truyền đạo trái pháp luật, tình trạng mua bán người, việc móc nối đưa người đi lao động nước ngoài bất hợp pháp.

Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận của Đảng; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng nguồn cán bộ dân tộc thiểu số đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình trong phong trào “dân vận khéo” vùng đồng bào dân tộc thiếu số./.

Phương Đông

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 2079

Tổng số lượt xem: 4056921