Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

LỄ KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG BA TƠ (30/10/1972-30/10/2022)

01/11/2022 14:54    64

Đồng chí Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi Lễ

Sáng ngày 29/10/2022, tại Trung tâm Văn hóa – Giáo dục cộng đồng huyện Ba Tơ diển ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Ba Tơ (30/10/1972-30/102022). Tham dự tại Lễ kỷ niệm có đồng chí Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội; về phía tỉnh có đồng chí Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội; đồng chí Đặng Văn Minh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành ở tỉnh; về phía Quân khu 5 có Trung tướng Trịnh Đình Thạch, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5, đại biểu Sư đoàn 2, sư đoàn 307, Quân khu 5, sư đoàn 320, sư đoàn 3, bệnh viện Quân y 13; đại diện lãnh đạo các huyện kết nghĩa, giáp ranh; về phía huyện Ba Tơ có đồng chí Đinh Ngọc Vỹ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Phạm Xuân Vinh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Sla Ven Côn, UVBTVHU, Trưởng Ban dân vận Huyện uỷ, Chủ tịch UBMTTQVN huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, Các đồng chí Nguyên là lãnh đạo huyện qua các thời kỳ; Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Máy, Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Thanh Trang, cán bộ tham gia giải phóng Ba Tơ và hơn 160 đại biểu là cựu chiến binh Ban liên lạc Trung đoàn 52, thân nhân liệt sĩ từng tham gia chiến đấu trên địa bàn huyện Ba Tơ.

Đại biểu tham dự tại buổi Lễ

Cách đây vừa tròn 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên mảnh đất Ba Tơ đã diễn ra cuộc chiến đấu 45 ngày đêm ròng rã, từ ngày 16/9/1972 đến ngày 30/10/1972 giành thắng lợi, một trong những sự kiện lịch sử quan trọng góp phần giải phóng toàn tỉnh Quảng Ngãi và toàn miền Nam.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, với truyền thống Ba Tơ khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Ba Tơ anh em đoàn kết một lòng, liên tục tiến công và nổi dậy phá ấp diệt đồn, kết hợp đấu tranh chính trị - binh vận với đấu tranh vũ trang đã liên tiếp giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vùng giải phóng của huyện Ba Tơ nối liền với nhiều huyện, thành một vùng giải phóng rộng lớn; toàn huyện chỉ còn cụm Chi khu quận lỵ. Hòa nhịp với chiến trường chung, quân và dân Ba Tơ đã phối hợp chặt chẽ cùng quân và dân trong tỉnh và toàn miền Nam tổng tiến công và nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Đặc biệt, từ chiến dịch Xuân Hè và Thu Đông năm 1972 quân và dân Ba Tơ đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực tiến công và nổi dậy. Thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ “Không có gì quí hơn độc lập tự do” với tinh thần “Hy sinh vì Tổ quốc, quyết giải phóng huyện Ba Tơ”, với nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân, trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp sức, quân và dân ta mở đợt tiến công từ ngày 17/5 đến ngày 02/6/1972 ta đã phá rã và tiêu diệt 390 tên địch, diệt gọn 5 trung đội, bắt tại trận 24 tên, trừng trị 02 tên ác ôn nợ máu, bắt 21 tên cải tạo, phá hủy 02 khẩu pháo, phá 05 ấp chiến lược, đưa gần 3.000 dân ra vùng giải phóng. Chiến dịch chưa kết thúc, để hạn chế tổn thương, ta được lệnh rút để củng cố lực lượng và chuẩn bị chiến trường cho trận đánh mới. Với quyết tâm “Quyết giải phóng Ba Tơ” và chiến dịch lần thứ 02 mở màn, bắt đầu từ ngày 16/9/1972 chiến dịch giải phóng Ba Tơ được phối hợp chung với chiến trường toàn tỉnh, lực lượng giải phóng Ba Tơ cũng được tăng cường, bao gồm bộ đội chủ lực Trung đoàn 52, bộ đội đặc công của Quân Khu, D20 của tỉnh và toàn quân dân trong huyện. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, giành từng tấc đất, siết chặt vòng vây, liên tục tiến công và đến ngày 18/9/1972 ta đã chiếm lĩnh toàn bộ Khu quận lỵ, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên ngụy quân, ngụy quyền, trong đó có tên trung tá Bửu Tương phải đền tội, đưa toàn bộ nhân dân bị dồn trở về làng cũ làm ăn. Giải phóng Quận lỵ nhưng Khu quân sự Đá Bàn vẫn còn, lực lượng ta tiếp tục bao vây và tiến công Khu biệt kích Đá Bàn. Hòng cứu vãn tình thế, sáng ngày 21/9 địch dùng máy bay lên thẳng đổ bộ 01 Tiểu đoàn pháo binh ở núi Cao Muôn, đèo Ông Huyện và toàn bộ liên đoàn 11 biệt động ngụy cứu viện, chúng tập trung trên 2.000 tên có phi pháo yểm trợ, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt.

Nhưng với quyết tâm ngay từ đầu, từ Bộ Tư lệnh mặt trận đến cán bộ, chiến sĩ phối hợp chặt chẽ cùng quân dân địa phương kiên trì tổ chức chiến đấu linh hoạt dũng cảm, chia cắt bao vây tiêu diệt địch tại Khu trung tâm biệt kích Đá Bàn và tiến công quân địch cứu viện, cả ngày lẫn đêm, bất kể trời mưa, nắng hay bão lụt. Ta huy động một lực lượng lớn dân công hỏa tuyến tiếp đạn, tải lương phục vụ chiến trường... Huy động lực lượng du kích và bộ đội địa phương phối hợp với quân chủ lực, Trung đoàn 52 tổ chức nhiều trận đánh ác liệt giành thắng lợi giòn dã như: tập kích trận địa pháo Cao Muôn ta tiêu diệt toàn bộ sở chỉ huy, phá hủy 8 khẩu pháo; đánh địch đổ bộ bất ngờ ở đồn Cây Đa; đánh phản kích ở khu quận, Đồng Chùa, Đồng Dâu, khu vực Tài Năng, đèo Ông Huyện. Từ đó, buộc chúng phải co cụm lại và cuối cùng rút chạy, ta truy đuổi, truy kích đánh cho tan tác. Kết quả ta đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 5 của ngụy, diệt gọn một Tiểu đoàn, làm thiệt hại nặng 4 Tiểu đoàn của Liên đoàn 11 ngụy.

Thừa thắng xông lên, liên tục tiến công đến ngày 20/10/1972 vòng vây của ta áp sát Khu trung tâm biệt kích Đá Bàn, kiên quyết tiêu diệt địch tại khu Đá Bàn, đồng thời tổ chức bao vây khống chế địch ở đèo Ông Huyện, cao điểm 402, 416, 513, 262 và 317... Nhưng chúng rất ngoan cố chống trả quyết liệt và dùng máy bay B.52 dội bom rải thảm cả ngày lẫn đêm; pháo các loại từ đèo Ông Huyện, Minh Long, Đức Phổ bắn tấp nập xuống các trận địa, dùng máy bay thả đèn sáng, bắn đạn lửa 12,7 ly, thả dù tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược hòng cứu nguy tình thế bất lợi cho chúng và uy hiếp lực lượng ta, nhưng tất cả mọi cố gắng nỗ lực của chúng đều bị lực lượng ta vô hiệu hóa.

Quân và dân Ba Tơ với tinh thần cách mạng sôi sục “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đồng bào Kinh, Hrê một lòng, giữ vững niềm tin thắng lợi, các lực lượng vũ trang giữ vững trận địa, tổ chức vây lấn, siết chặt vòng vây, liên tục tiến công, áp sát trận địa. Nhất là những ngày cuối tháng 10 mưa tầm tã gây lũ lớn, tình hình chiến sự diễn ra ngày càng gay go ác liệt, những chiến công nối tiếp chiến công. Đến ngày 29/10 các trận địa pháo của ta dồn dập nã xuống đèo Ông Huyện khống chế địch ở đây, tập trung toàn lực lượng và hỏa lực tiêu diệt Khu biệt kích Đá Bàn và đúng 23 giờ  45 phút, ngày 29/10/1972 ta mở đợt tấn công và đã làm chủ hoàn toàn trận địa Khu biệt kích Đá Bàn, đến 0 giờ 35 phút ngày 30/10/1972 lá cờ Mặt trận đã cắm trên nóc Sở chỉ huy Tiểu đoàn 69 Khu biệt kích Đá Bàn.

Từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ ra sức nổ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo.

Là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70% nhưng giờ đây huyện Ba Tơ đang từng ngày, đổi mới đi lên; từng bước phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng miền núi, vùng căn cứ kháng chiến, An toàn khu. Những con đường liên thôn, liên xã, những chiếc cầu kết nối các bản làng ngày một nhiều lên, cùng với đó là sự giao thương trao đổi mua bán được thuận lợi; những di tích lịch sử minh chứng một thời hào hùng cách mạng của nhân dân các dân tộc Ba Tơ được bảo tồn, tu sữa, nâng cấp; những công trình hạ tầng văn hóa xã hội được mọc lên là những nét chấm phá ấn tượng trong bức tranh đầy sức sống của huyện Ba Tơ trên đường đổi mới. Hệ thống giao thông được mở rộng thông suốt, 19/19 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, có đường ô tô đến trung tâm, 90% số thôn có đường ô tô đến thôn, 100% xã đã bê tông hoá đường liên xã không còn bị chia cắt vào mùa mưa lũ.

Đồng chí Đinh Ngọc Vỹ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm

Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt hơn 8,01%. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 11,01%, tổng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) thực hiện đạt trên 1.700 tỷ đồng. Trong đó: Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trên 911 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt trên 545 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 248 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng Nông – Lâm - Ngư nghiệp, tăng dần tỷ trọng Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và Thương mại - Dịch vụ. Giá trị sản xuất bình quân đầu người trên 38 triệu đồng/người/năm.

Việc xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, bình quân mỗi xã đạt 12,28 tiêu chí (tăng 0,84 tiêu chí/xã so với cuối năm 2020). Trong đó: 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Ba Động và Ba Cung, xã Ba Liên đạt chuẩn từ 15-18 tiêu chí; 14 xã đạt chuẩn 10-14 tiêu chí; 01 xã đạt chuẩn 5-9 tiêu chí.

Toàn huyện hiện có 04 doanh nghiệp lớn đang hoạt động trong lĩnh vực dăm gỗ; có 2 cụm Công nghiệp trên địa bàn; có 02 nhà máy thủy điện là: Núi Ngang và ĐăkRe đi vào hoạt động đem lại giá trị kinh tế cao, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách huyện. Hiện nay huyện tập trung chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các thủy điện Ba Vì, Nước Long, Đăk Re2, Sông Liên 1, bổ sung quy hoạch dự án thủy điện Ba Nam, điện gió tại thảo nguyên Bùi Hui, xã Ba Trang. Với sự đầu tư và phát triển về công nghiệp trên địa bàn huyện đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Thương mại - dịch vụ đã có bước phát triển khá. Chợ thị trấn Ba Tơ, chợ liên xã khu Đông đã trở thành trung tâm mua sắm của người dân. Nhiều nhà hàng, cửa hàng, dịch vụ hình thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu của người dân.

Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa của địa phương cũng có những bước phát triển đáng kể, Đến nay huyện đã hoàn thành và giữ chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 97%, tỉ lệ học sinh tiểu học đi học đúng tuổi đạt 97,4%, trung học cơ sở đạt 94,2%, tỷ lệ trường lớp được xây dựng kiên cố đạt 90%, có 14 trường đạt chuẩn quốc gia; Công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân được chú trọng, 100% xã, thị trấn có trạm y tế có biên chế bác sĩ, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi đạt 24,3%,  có 17 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, chiếm tỷ lệ 89,47%; tỷ lệ người tham gia đóng bảo hiểm y tế toàn dân đạt  98,5%. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, hàng năm giảm từ 5-7%, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 còn 13,55%, hiện nay huyện Ba Tơ đã thoát khỏi huyện nghèo. Đến nay có 18/19 xã có nhà văn hoá, 93/93 thôn tổ dân phố có nhà văn hoá thôn. Tỷ lệ nghe đài truyền thanh 87%, xem truyền hình 90%.

Công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội được thực hiện tốt. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền ban hành các chương trình hành động, kế hoạch chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về bảo đảm an ninh, trật tự, hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được tăng cường. Thường xuyên nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Qua đó, tội phạm giảm, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt cao. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố và phát triển theo hướng xây dựng tổ chức quần chúng, cụm an toàn về ANTT trở thành hạt nhân phong trào ở cơ sở.  Năm 2021, có 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”, 98% nhà trường, doanh nghiệp, cơ quan đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự.

Nhân dịp này, Thủ tướng chính phủ đã tặng Bằng khen cho cán bộ và Nhân dân huyện Ba Tơ và Chủ tịch UBND tỉnh cũng tặng bằng khen cho 7 tập thể và 11 cá nhân có thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển huyện Ba Tơ.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan và Trung tướng Trịnh Đình Thạch - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5 trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ và nhân dân huyện Ba Tơ

Các tập thể và cá nhân huyện Ba Tơ đón nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

Tấn Minh – Văn Tân

 

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1088

Tổng số lượt xem: 4010084