Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Ký ức về chiến dịch giải phóng Ba Tơ của hai người cựu binh từng tham gia chiến dịch Giải phóng Ba Tơ

27/10/2023 17:08    154

Ông Trần Thanh Cầm – Người từng tham gia chiến dịch giải phóng Ba Tơ

Những ngày này 51 năm trước, trên mảnh đất Ba Tơ sục sôi khí thế cách mạng. Quân và dân Ba Tơ kết hợp với lực lượng của chiến dịch giải phóng Ba Tơ chiến đấu ác liệt 45 ngày đêm, để giải phóng quê hương khỏi sự xâm chiếm tàn bạo của Mỹ - ngụy. Để đến ngày 30/10/1972, Ba Tơ hoàn toàn giải phóng, trở thành huyện đầu tiên của khu V được giải phóng.

Giải phóng Ba Tơ là thành quả của một chiến dịch kéo dài, ác liệt, gian khổ của lực lượng tham gia chiến dịch, của quân và dân huyện nhà. Chiến dịch bắt đầu từ đêm 15/9/1972, do Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát động. Trải qua 45 ngày đêm chiến đấu ác liệt, với sự quyết tâm của lực lượng tham gia chiến dịch và của quân và dân Ba Tơ, đến ngày 30/10/1972, ta tiêu diệt Trung tâm biệt kích Đá Bàn. Huyện Ba Tơ đã hoàn toàn giải phóng sau gần 45 ngày đêm lịch sử. Cờ đỏ sao vàng tung bay giữa núi rừng Ba Tơ hùng vĩ.

Những người lính năm xưa tham gia giải phóng Ba Tơ nay đã già, có người không còn nữa, nhưng với ông Trần Thanh Cầm, hiện ở Tổ Dân Phố Nam Hoàn Đồn, thị trấn Ba Tơ, nay đã ngoài 70 tuổi, thì ký ức về cuộc chiến vẫn còn nguyên vẹn. Ngày đó ông Cầm còn rất trẻ, là thành viên của đội công tác phía trước. Trong chiến dịch Giải phóng Ba Tơ, ông được lãnh đạo đơn vị phân công nhiệm vụ dẫn đường và phối hợp với đại đội 6 của Trung đoàn 52, đánh vào khu vực Bắc Hoàn Đồn. Điều ông ấn tượng nhất trong chiến dịch giải phóng Ba Tơ đó là sau khi quận lỵ Ba Tơ được giải phóng, rồi bước vào giai đoạn quyết liệt nhất ở Đá Bàn, rất cần lực lượng, nhưng chỉ huy chiến dịch vẫn lo cho dân, cử lực lượng giải thoát nhân dân đến vùng an toàn và giúp nhân dân ổn định đời sống, không để nhân dân bị thiếu đói, đời sống nhân dân không bị xáo trộn.

Ông Phạm Ngọc Đê - Nguyên đại đội phó C 298 của huyện đội Sông Re

Đã 51 năm trôi qua, ông Phạm Ngọc Đê, nay đã 78 tuổi, ở tổ Dân phố Bắc Hoàn Đồn, thị trấn Ba Tơ là người từng tham gia chiến dịch Giải phóng Ba Tơ năm xưa, vẫn không sao quên được mức độ ác liệt của chiến dịch Giải phóng Ba Tơ năm đó. Hồi đó ông đang công tác tại Huyện đội Sông Re, là đại đội phó C 298, lúc đó ông 22 tuổi. Khi có lệnh điều đội đơn vị của ông 2 trung đội để tiếp viện cho chiến dịch giải phóng Ba Tơ. Ông được phân công chi huy 1 trung đội phối hợp với lực lượng du kích của các xã Ba Chi, Ba Tô, Ba Giang và Lực lượng của chiến dịch bao vây địch ở phía tây Đá Bàn, để cô lập lực lượng ở Đá Bàn, ngăn chặn tiếp viện của địch từ huyện Sông Re.

Ngày ấy, ông và và các lực lượng phải thay phiên chiến đấu không cho địch phá vòng vây và tiếp viện ở phía tây Đá Bàn. Đến khi quận lỵ Ba Tơ được giải phóng đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, sự phấn khởi trong mỗi người lính tham gia chiến dịch. Khi ấy Ba Tơ là huyện được chọn giải phóng đầu tiên, nên tiềm lực quân sự của địch rất mạnh về mọi mặt. Địch sử dụng vũ khí rất tối tân, có cả B52 ném bom liên tục, cùng với sự lực lượng chi viện rất hùng hậu, nên trận chiến ở Đá Bàn rất ác liệt. Trong khi đó thời tiết tháng 10 năm đó lụt rất lớn, nước Sông Liên rất lớn, rất khó khăn cho lực lượng của ta vượt Sông Liên để giải phóng Đá Bàn. Nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Ba Tơ đã cùng với  lực lượng của chiến dịch vợt lũ Sông Liên, quyết tâm bám sát trận địa, giành với địch từng tấc đất để vây ráp mục tiêu, quyết tâm đánh sập khu trung tâm biệt kích Đá Bàn. Sau nhiều ngày bám trận địa và tiến công dữ dội, đến khuya ngày 29/10 chúng ta cơ bản đã làm chủ trận địa. Đến ngày 30/10/1972 lá cờ Mặt trận đã cắm trên nóc Sở chỉ huy Tiểu đoàn 69, Khu biệt kích Đá Bàn.

 

Ông Phạm Ngọc Đê, ông Trần Thanh Cầm và những cựu chiến binh của thị trấn Ba Tơ thăm nơi trưng bày ký vật của chiến dịch Giải phóng Ba Tơ

Ngồi nghĩ lại lúc đó, người lính tham gia Giải phóng Ba Tơ năm xưa, ông Phạm Văn Đê cho rằng, có lẽ quyết tâm giải phóng bằng được huyện Ba Tơ đã hun đúc ý chí của mỗi người lính tham gia chiến dịch và nhân dân, để rồi với động lực ấy, họ đã vượt qua được mọi gian khổ, ác liệt nhất để làm nên thắng lợi của chiến dịch. Kể về ký ức chiến dịch Giải phóng Ba Tơ, ánh mắt người lính trực tiếp tham gia giải phóng Ba Tơ năm xưa rực lên niềm vui của ngày nào: Niềm vui đã giành thắng lợi vô cùng oanh liệt, niềm vui quê hương được giải phóng là quá to lớn, hạnh phúc và nước mắt hòa quyện vào nhau tạo nên ký ức khó phai mờ. Theo người cựu binh năm xưa, đến nay được chứng kiến quê hương Ba Tơ đổi thay từng ngày, bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng đổi thay, đời sống người dân ngày càng được nâng cao về mọi mặt, là niềm vui lớn nhất hiện nay.

                                                             Hữu Phát

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 822

Tổng số lượt xem: 4003759