Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương của đảng viên trẻ Đinh Kni

12/07/2023 16:31    129

Anh Đinh Kni chia sẻ về phát triển kinh tế từ chăn nuôi kết hợp trồng trọt với đồng chí Đỗ Quang Vịnh - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái và đồng chí Nguyễn Thế Nhân – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi

Với quyết tâm tận dụng lợi thế vườn đồi để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình, đảng viên Đinh Kni, sinh năm 1985, ở thôn Trường An, xã Ba Thành đã xây dựng thành công trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Mô hình khởi nghiệp của anh đã bắt đầu mạng lại “quả ngọt” và truyền cảm hứng khát vọng vươn lên phát triển kinh tế cho nhiều người dân ở địa phương.

Cùng với đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái tham quan trang trại nuôi trồng kết hợp chăn nuôi của anh Đinh Kni. Sau một đoạn đường dốc gồ ghề, bước vào trang trại khiến cả đoàn ai nấy cũng phải trầm trồ, thán phục bởi sự đầu tư bài bản, khoa học của đảng viên trẻ người Hrê này. Tuy đang là mùa khô, nhưng hệ thống mương mang đầy dòng nước mát lạnh để tưới cho vườn cây và phục vụ cho chăn nuôi. Trong trang trại nhiều loại cây ăn quả như mít, ổi, cam, quýt đường, bưởi da xanh, khóm sum suê, trĩu quả, cùng nhiều loài vật nuôi mang tính giá trị cao như: Hươu, chồn, trâu, heo bản địa, gà thả vườn với số lượng lớn. Bên cạnh đó còn có hàng chục héc ta keo phát triển rất tốt.

Theo anh Đinh Kni, để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực vươn lên của cả gia đình và nhờ chính sách giao đất, giao rừng của Đảng và Nhà nước. Anh chia sẻ, sinh ra và lớn lên trong một đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, anh luôn thấu hiểu sự khó khăn, vất vả. Cũng từ đó, người đảng viên trẻ quyết tâm vượt lên sự nghèo khó. Năm 2007, vợ chồng anh bắt tay khai hoang, cải tạo đất trồng rừng với mong muốn phát triển kinh tế. Nhờ có chính sách giao đất, giao rừng của Đảng và Nhà nước, gia đình anh Kni đã mạnh dạn nhận 15 hec ta đất trống, đồi núi trọc để cải tạo, trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Cuộc sống lúc đó rất khó khăn, cả hai vợ chồng hằng ngày phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống và phát dọn, cải tạo đất trồng keo. Rất may mắn là rẫy keo của anh phát triến rất tốt và thời điểm khai thác được giá, nên sau chu kỳ 5 năm, bình quân mỗi hec ta keo anh có lãi khoảng 50 triệu đồng.

Đàn hươu của anh Đinh Kni

Với quyết tâm tận dụng lợi thế đất đai để phát triển kinh tế,  năm 2019 vợ chồng anh Kni bắt tay cải tạo đất đồi, đào mương dẫn nước từ thác Hố La, cách đó khoảng 2km về để phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt. Anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng và số tiền tích lũy từ thu hoạch keo để đầu tư khu trồng cây ăn quả và chăn nuôi với diện tích 1,2 héc ta. Qua tham quan học hỏi kinh nghiệm các trang trại ở các địa phương khác, anh quyết định mở rộng mô hình của gia đình thành trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Phương châm phát triển trang trại của anh là lấy ngắn nuôi dài, lấy chăn nuôi phục vụ cho trồng trọt, lấy sản phẩm trồng trọt phục vụ chăn nuôi. Ban đầu anh tập trung vào việc phát triển giống heo đen bản địa, nuôi gà thương phẩm. Khi đã ổn định, anh chọn nuôi thêm trâu, hươu. Không chỉ chăn nuôi, anh Kni còn trồng mít, ổi, cam, quýt đường, bưởi da xanh, khóm, cây sim và trồng lúa nước để tận dụng nguồn phân chuồng sẵn có chăm bón cho các loại cây trồng. Nhờ kế hoạch thâm canh rất hợp lý, nên anh có thu hoạch quanh năm. Trái cây có chất lượng anh bán cho thương lái, trái cây chất lượng thấp anh làm thức ăn cho vật nuôi.

Hiện nay trang trại của anh có 11 con hươu, 20 con trâu, 6 con chồn, hơn ba chục con heo bản địa, hàng chục héc ta cây keo đã bắt đầu mang lại “quả ngọt”. Mới đây, anh đã xuất bán trên 4,5 tạ gà thả vườn, thu về hơn 45 triệu đồng; xuất bán 8 con trâu, thu về gần 100 triệu đồng. Đàn heo bản địa của anh được nhiều người quen lên tận nơi đặt hàng để làm đám tiệc, không đủ hàng để cung cấp. Đàn hươu của anh đã có 3 con cho nhung, sắp tới sẽ có nhiều con cho nhung lứa đầu tiên. Từ đầu đầu năm 2023 đến nay anh đã thu được hơn 6 lạng nhung hươu, với giá 1,6 triệu đồng/1 lạng. Mỗi con hươu cho lấy nhung 2 lần/năm.

Sự năng động, nhiệt huyết, khoa học, dám nghĩ, dám làm của đảng viên trẻ Đinh Kni là động lực, là tấm gương để thanh niên, nông dân huyện nhà noi theo trong phát triển kinh tế từ vườn đồi, làm giàu chân chính trên mảnh đất quê hương.

                                                                                  Hữu Phát

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1057

Tổng số lượt xem: 4010147