Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Hệ lụy tảo hôn và những giải pháp cần thực hiện trong thời gian đến để Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện mang lại kết quả thiết thực nhất

13/12/2021 14:57    57

Nạn tảo hôn diễn biến phức tạp gây ra những hệ lụy nặng nề ở các huyện vùng cao tỉnh Quảng Ngãi nói chung, trong đó kể cả huyện Ba Tơ, trong khi việc giải quyết của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đôi lúc chưa thật sự quyết liệt, hoặc thiếu sự đồng nhất nên dẫn đến hiệu quả thấp. Chúng ta cần quyết liệt hơn nữa trong các mặt công tác để thực hiện Đề án mang lại kết quả thiết thực nhất trên địa bàn huyện Ba Tơ.

Ngày 16/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1018/QĐ-UBND về thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện năm 2021; Trên cơ sở Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 29/3/2021 UBND huyện Ba Tơ đã ban hành Quyết định số 1113/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025. Qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án, bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn huyện thực hiện công tác tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Có những xã đã cương quyết trong công trác xử lý bằng hình thức phạt tiền theo quy định của pháp luật, đồng thời cho viết cam kết thực hiện không vi phạm. Thế nhưng, thực tế qua đánh giá và rà soát thì tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện có giảm, nhưng vẫn ở mức cao; công tác phòng, chống tảo hôn chưa được các địa phương chú trọng quan tâm, công tác chỉ đạo và giám sát thiếu chặt chẽ; có một số xã công tác tổng hợp báo cáo số liệu tảo hôn chưa nắm bắt kịp thời các trường hợp tảo hôn, trường hợp mười lăm, mười sáu tuổi có con (ngoài giá thú).

Như chúng ta đã biết, những hệ lụy của nạn tảo hôn đó là "Việc các em lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi trưởng thành gây ra rất nhiều hệ lụy cho bản thân các em, gia đình và xã hội. Cũng vì thế mà nhiều trẻ em dang dở chuyện học hành, phải làm bố, mẹ khi chưa hoàn thiện cả về thể chất và nhận thức. Về góc độ khoa học, tảo hôn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi". Cùng với những hệ lụy nặng nề, tảo hôn vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật và có nhiều mức xử phạt khác nhau. Tại Điều 183, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định xử phạt đối với người có hành vi tổ chức tảo hôn như sau: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm”. Thậm chí, nếu áp dụng các tội xâm hại tình dục trẻ em được quy định tại Chương XIV (Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) trong Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm 5 Điều (Điều 142, 144, 145, 146, 147) tùy từng hành vi phạm tội, khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện trong thời gian qua còn cao đó là: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế, công tác truyên truyền ở cơ sở chưa được thường xuyên; sự can thiệp của chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn chỉ ở mức tuyên truyền, thuyết phục, vận động là chính, chưa có biện pháp xử lý mạnh; có một số trường hợp vi phạm tảo hôn đã tìm cách "lách luật": Không tổ chức đám cưới nhưng tự nguyện về sống chung trong gia đình như vợ chồng. Điều kiện kinh tế của một số gia đình còn khó khăn, một số gia đình cho con em nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình, do suy nghĩ chưa chín chắn dẫn đến việc tìm hiểu và chung sống với nhau như vợ chồng và có con ngoài ý muốn. Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đem lại những tác hại tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên, một bộ phận không nhỏ trẻ vị thành niên có lối sống buông thả, đua đòi và yêu đương sớm dẫn đến có thai ngoài ý muốn. Công tác xử lý các trường hợp tảo hôn tại các xã còn lúng túng, chưa bám vào các quy định của pháp luật để xem xét xử lý; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vụ việc tảo hôn chưa kịp thời, trong xử lý còn nể nang, chưa nghiêm minh, mang tính đối phó. Việc phát hiện, nắm bắt tình hình tảo hôn gặp nhiều khó khăn vì họ không đăng ký kết hôn, hoặc tổ chức theo phong tục (tổ chức phép) vào ban đêm …

Để thực hiện nghiêm túc nội dung của Đề án trong thời gian đến chúng ta cần thực hiện công tác vận động, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, qua các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn, tổ dân phố, khu dân cư nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức và từng bước thay đổi tư duy nhằm đáp ứng mục tiêu nói trên. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ thôn, người có uy tín, thôn trưởng và các hộ dân có con em trong lứa tuổi vị thành niên nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết về hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; Đồng thời thực hiện ký cam kết ở các hộ không để xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc nắm bắt thông tin, tuyên truyền vận động ngăn chặn và xử lý theo quy định. Phối hợp cùng chính quyền địa phương, Mặt trận, các hội đoàn thể xã tham gia vận động học sinh đến lớp, nắm bắt thông tin, tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn và từng năm, phấn đấu cơ bản không còn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trước năm 2025. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào kế hoạch hoạt động hàng năm, xác định rõ nội dung tuyên truyền, vận động, các biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhiệm vụ tuyên truyền, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; đây là một trong những nội dung để đánh giá, phân loại tập thể, cá nhân hàng năm. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cấp xã, thôn, tổ dân phố, khu dân cư, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, xã, thôn; người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình kịp thời, ngăn chặn và xử lý các trường hợp tảo hôn, có nguy cơ tảo hôn tại các thôn, Tổ dân phố. Vận động gia đình và nhân dân chấp hành các chính sách pháp luật, đăng ký cam kết không tổ chức đám cưới khi con em chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Thực hiện nghiêm túc các nội dung trên sẽ là cơ sở để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện trong thời gian đến và đó cũng chính là bước thành công của Đề án mà UBND huyện đề ra./.

Lữ Tấn Minh (Công an Ba Tơ)

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1380

Tổng số lượt xem: 4005026