Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

HÃY LÀ NGƯỜI VĂN MINH TRONG VIỆC SỬ DỤNG THUỐC LÁ

01/06/2022 10:27    138

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỉ lệ người dân sử dụng thuốc lá còn khá cao và đang có xu hướng tăng lên, chủ yếu là ở nam giới. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do thiếu hiểu biết về tác hại nghiêm trọng của thuốc lá đối với sức khỏe con người. Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc.

Xây dựng môi trường sống và làm việc không khói thuốc sẽ giúp cho người không hút thuốc giảm được nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc, vì vậy sẽ giảm được nguy cơ bệnh tật và tử vong có liên quan đến thuốc lá, qua đó tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ hạn chế các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc… giảm bớt chi phí cho vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm bớt mức độ hút thuốc lá. Chi tiêu cho thuốc lá sẽ dành cho các chi tiêu có lợi hơn như: thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa… Môi trường làm việc không khói thuốc góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lịch sự, nêu cao tinh thần giữ gìn sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh không thuốc lá.

Tại điều 11 và 12 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013) đã quy định cụ thể về môi trường không khói thuốc với các nội dung:

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; Cơ sở giáo dục từ trung học chuyên nghiệp trở xuống.

2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; Địa điểm công cộng, trừ địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá.

3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

4. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm: Khu vực cách ly của sân bay; Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

5. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

6. Khuyến khích người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.

Hãy là người có văn hóa trong việc sử dụng thuốc lá (Nguồn Internet)

 

Mặc dù hành vi hút thuốc lá tại những nơi quy định cấm hút thuốc hoặc chỉ bỏ tàn thuốc, mẩu thuốc không đúng nơi quy định có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 đến 300 ngàn đồng đối với cá nhân vi phạm; người quản lý cơ sở không treo bảng có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm để yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc tại cơ sở cũng bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng; thậm chí những nơi quy định dành riêng cho người hút thuốc không bảo đảm yêu cầu có phòng và hệ thống thông khí tách biệt, không có dụng cụ chứa đựng mẩu thuốc, tàn thuốc... cũng bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng nhưng thực trạng hiện nay vẫn còn rất nhiều sự vi phạm. Ngoài ra, quy định việc bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi bị phạt tiền 1 đến 2 triệu đồng, không treo bảng thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng; bán thuốc lá ngoài cổng các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học và trung học bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng... chỉ mang tính hình thức.

Vấn đề không quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện tương đối khá tốt và có quy định mức phạt tiền khá cao nên đã hạn chế nhiều. Tuy nhiên, việc tuân thủ pháp luật của cộng đồng hiện nay còn nhiều hạn chế, “biết mà không làm” vẫn là hiện tượng tồn tại cố hữu của một bộ phận người dân như: Biết vượt đèn đỏ ở các giao lộ là nguy hiểm tính mạng và vi phạm pháp luật, biết hút thuốc lá có hại đến sức khỏe và ảnh hưởng người chung quanh, biết không rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh dễ mắc bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa... nhưng vẫn không thực hiện đúng yêu cầu quy định. Vì vậy để môi trường sống thực sự không còn khói thuốc lá, điều căn bản nhất là sự tự giác, nghiêm túc chấp hành luật của tất cả mọi người với biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe, giáo dục xã hội có hiệu quả đồng hành với biện pháp xử phạt và chế tài cứng rắn.

Tham gia phòng chống tác hại của thuốc lá là việc làm thiết thực thể hiện nếp sống văn minh. Cộng đồng hãy chung tay xây dựng một môi trường không khói thuốc, vì lợi ích của chính chúng ta!

                                                                                                          An Nguyên

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1330

Tổng số lượt xem: 3966685