Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Gương người Hrê vượt khó “Tàn nhưng không phế”

15/04/2023 17:21    172

Di chuyển bằng một chiếc nạn và một cây gậy

Đối với người bình thường để xây dựng mô hình “Vườn – ao – chuồng” nhằm phát triển kinh tế gia đình đã là một điều không phải dễ dàng. Vậy mà trong xã hội có nhiều người không may bị khuyết tật vận động, nhưng bằng ý chí, nghị lực phi thường đã cố gắng vượt lên số phận để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh Phạm Văn Trĩ, 44 tuổi, người Hre, ở thôn Làng Trui, xã Ba Tiêu, huyện miền núi Ba Tơ là một tấm gương điển hình về nỗ lực vượt khó“Tàn nhưng không phế”.

Theo giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Ba Tiêu Phạm Văn Thu, chúng tôi tìm tới nhà của anh Phạm Văn Trĩ. Ngôi nhà nằm cách xa khu dân cư. Tiếp chúng tôi là người đàn ông bị liệt cả hai chân, mỗi khi di trên sàn nhà là anh dùng bằng đôi tay. Do di chuyền nhiều nên đôi bàn tay chai sạm, đầy vết sần. Điều đặc biệt là khi ra lao động ngoài vườn thì anh Trĩ di chuyển bằng một chiếc nạn và một cây gậy. Tay trái dùng gậy giữ thăng bằng và nách phải anh tì vào chiếc nạn để chịu lực khi di chuyển. Anh cho biết, trong một lần lao động năm 2016, không may anh bị trượt chân ngã từ trên cao xuống đất bị chấn thương cột sống dẫn đến đôi chân bị liệt và ngày càng teo lại. Từ đó, những khi chuyển trời là đôi chân đau nhức không ngủ được.

Mặt dù di chuyển rất khó khăn, nhưng hàng ngày anh Phạm Văn Trĩ vẫn ra vườn lấy tre, nứa, măng, mía để băm làm thức ăn cho đàn dúi của gia đình. Hiện nay anh nuôi 15 con dúi sinh sản, thời điểm nhiều nhất là khoảng 30 con. Nhờ chăm sóc chu đáo nên đàn dúi của anh sinh trưởng rất tốt. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm anh bán từ 30 - 40 con dúi thương phẩm và hàng chục cặp dúi giống, mang lại thu nhập cho gia đình hàng chục triệu đồng. Theo anh, nuôi dúi khá phù hợp với tình hình sức khỏe của anh, vì tương đối nhẹ nhàn, thức ăn có sẳn quanh vườn, kỷ thuật nuôi không đòi hỏi phức tạp. Mỗi năm dúi sinh sản từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 4 con. Mới vừa rồi anh vừa bán 8 con dúi thương phẩm, với giá hơn 3 triệu đồng để lấy tiền tái khám cột sống lưng.

Chăm sóc heo sinh sản

Ngoài nuôi dúi, anh còn nuôi heo nái để tận dụng thức ăn thừa của gia đình và rau quanh vườn. Bên cạnh đó, anh còn cải tạo mảnh ruộng sâu trong vườn thành ao nuôi cá, với diện tích hơn 100 m2, dưới ao anh nuôi cá chép, cá rô phi, cá mè, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 1 tạ cá, chủ yếu phục nhu cầu bữa ăn của gia đình. Trên mặt nước anh nuôi hàng trăm con vịt. Ngoài ra anh còn nuôi gà thả vườn để tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Theo anh, để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình. Sau khi  bị tai nạn nằm viện điều trị rất lâu, khi chưa bớt hẳn nhưng do quá khó khăn anh xin xuất viện. Lúc mới xuất viện từ chỗ là trụ cột của gia đình, giờ mọi sinh hoạt phải có sự giúp đỡ của vợ con, kinh tế gia đình lâm vào cảnh vô cùng thiếu thốn. Vợ anh phải đi làm thuê suốt để có tiền lo từng bữa ăn, nên anh bị sốc nặng, tưởng không qua khỏi. Nhờ sự ân cần chăm sóc của vợ con, nên anh dần dần lấy lại cân bằng và quyết tâm luyện tập để vợ con bớt khổ vì mình. Khi luyện tập đi nạn tập tễnh, anh bắt đầu suy nghĩ phải làm gì phù hợp với tình hình sức khỏe hiện tại, quyết tâm mình “Tàn nhưng không phế”. Và khởi đầu là nuôi gà thả vườn, khi bán gà có tiền thì anh tiến tới nuôi heo sinh sản, rồi nuôi dúi và hình thành được như ngày hôm nay. Anh chia sẻ “Có được như vầy là bớt khổ lắm rồi, chứ hồi trước khổ lắm”.

Anh Phạm Văn Trĩ bên ao cá và đàn vịt của mình

Theo anh Phạm Văn Thái, thôn trưởng thôn Làng Trui, xã Ba Tiêu, nuôi dúi nghe đơn giản nhưng rất nhiều người nuôi không được, tuy nhiên anh Trĩ nuôi rất đạt, hiệu quả kinh tế rất cao. Cùng với đó mô hình vườn - ao - chuồng của anh là một mô hình rất đáng học hỏi. Còn chủ tịch UBND xã Ba Tiêu Phạm Văn Thu thì cho rằng đây là một tấm gương điển hình về vượt lên chính mình. Mặc dù là người tàn tật, nhưng anh xây dựng được mô hình phát triển kinh tế người bình thường không phải ai cũng làm được. Về phía địa phương, sắp tới xã sẽ giành nguồn vốn có thể để giúp gia đình anh Trĩ có cuộc sống tốt hơn.

Nhìn vào mô hình vườn – ao – chuồng và quang cảnh vườn nhà sạch sẽ, nhiều cây ăn trái, khó có ai tin rằng chủ nhân của mô hình này là người bị liệt cả hai chân. Dẫu cuộc sống hiện tại của anh vẫn còn khó khăn, nhưng để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực vượt khó để thắp sáng cho cuộc sống của mình. Chia tay anh, nhưng hình ảnh anh di chuyển bằng một chiếc nạn và một cây gậy luôn đọng lại trong tôi. Anh Phạm Văn Trĩ xứng đáng là tấm gương không chỉ cho người khuyết tật, mà cả cho những người bình thường khác noi theo.

                                                                                    Hữu Phát

 

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1971

Tổng số lượt xem: 4058417