Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Ban Văn Hóa - Xã Hội HĐND tỉnh giám sát kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 -2022 trên địa bàn huyện Ba Tơ

08/01/2023 17:56    90

Quang cảnh buổi giám sát

Sáng ngày 05/01/2023, đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Phan Đặng Nhân Ái – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 -2022 trên địa bàn huyện Ba Tơ. Cùng đi với đoàn có đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng – Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh và các thành viên trong đoàn. Tham dự buổi giám sát có đồng chí Đinh Thị Y Ban Quý - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Lữ Đình Tích - Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo Văn phòng huyện; lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tơ và lãnh đạo các đơn vị trường học trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo của UBND huyện tại buổi giám sát, hiện nay trên địa bàn huyện Ba Tơ có 47 đơn vị trường học. Năm học 2022 – 2023 có 13.710 học sinh. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế của ngành hiện nay là 936 người. Trong những năm qua thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14, của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương, UBND huyện Ba Tơ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo; các đơn vị trường học trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên của đơn vị.

UBND huyện đã tổ chức Hội nghị chuẩn bị các điều kiện để thực hiện
Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT và Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, qua đó chỉ đạo các trường tổ chức nghiên cứu nội dung chương trình tổng thể, chương trình chi tiết các môn học; chuẩn bị điều kiện dạy Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ là các môn học bắt buộc ở lớp 3, lớp 4, lớp 5; chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình hàng năm; chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên của trường theo lộ trình hàng năm sao cho mỗi giáo viên đều được bồi dưỡng, nghiên cứu về chương trình, sách giáo khoa mới các môn mình phụ trách giảng dạy xuyên suốt cả cấp học; bố trí sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy các lớp học, môn học để thực hiện bồi dưỡng hàng năm đạt kết quả.

Qua triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, công tác lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với các tiêu chí, đảm bảo yêu cầu. Về chất lượng, các đầu sách được lựa chọn phù hợp nên nhìn chung đảm bảo chất lượng.  Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ngày càng được quan tâm bổ sung. Chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đổi mới của giáo dục, đó là tập trung việc phát triển năng lực và hình thành phẩm chất cho học sinh. Hầu hết các mục tiêu đổi mới giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với điều kiện của địa phương và phù hợp với khả năng tiếp thu của các đối tượng học sinh. Riêng đối với chương trình môn tiếng Việt lớp 1 còn nặng so với khả năng nhiều học sinh, nhất là học sinh vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đến nay, tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 97%; tỉ lệ học sinh tiểu học đi học đúng tuổi đạt 97,4%; tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đi học đúng tuổi đạt 94,2%.

Bên cạnh kết quả đạt, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn hạn chế, vướng mắc như đội ngũ giáo viên còn thiếu theo quy định. Thiết bị dạy học các khối lớp còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu dạy cho tất cả các môn học. Phòng phục vụ học tập, các thiết bị dạy học còn thiếu, chưa cung cấp kịp thời; việc cung cấp tài liệu dạy giáo dục địa phương chậm. Một số giáo viên lớn tuổi, khó khăn trong quá trình tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông nên hiệu quả chưa cao. Giá sách giáo khoa còn quá cao so với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và mức sống của người dân, đặc biệt là sách Tiếng Anh.

Đoàn giám sát đã giành rất nhiều thời gian để nghe ý kiến của đại diện các đơn vị trường học. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao việc đổi mới chương trình và chất lượng sách khoa theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên bên cạnh đó các đại biểu cũng phát biếu rất sôi nỗi những bất cập khi thực hiện tại đơn vị mình. Trong đó chủ yếu là thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy môn Tin học, ngoại ngữ, nhạc họa nhưng không tuyển được giáo viên và việc tích hợp môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trinh Giáo dục phổ thông 2018. Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Lữ Đình Tích - Phó Chủ tịch UBND huyện đã làm rõ hơn về ưu điểm và tồn tại của việc đổi mới sách giáo khoa; công tác trang bị cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học; việc thiếu giáo viên và các biện pháp khắc phục. 

Đồng chí Phan Đặng Nhân Ái – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi giám sát

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Phan Đặng Nhân Ái – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đánh giá cao việc thực hiện chủ trương đổi mới chương trình,  sách giáo khoa giáo dục phổ thông của huyện Ba Tơ trong thời gian qua. Đồng chí cho rằng những ý kiến tại buổi giám sát sẽ được Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh sàn lọc, tổng hợp để báo cáo với đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội. Đây cũng là cơ sở để Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh báo cáo với HĐND tỉnh, đồng thời sẽ phản ánh đến các cơ quan có chức năng để có hướng giải quyết trong thời gian tới.

                                                                               Hữu Phát

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 802

Tổng số lượt xem: 3983986