Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Ba Tơ với những tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế vững mạnh

04/11/2023 14:19    25

Hồ chứa nước Thủy điện Đăk Re, một trong những vị trí được đầu tư khai thác trong dự án du lịch sinh thái (Ảnh sưu tầm)

Ba Tơ là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ngãi, cách trung tâm tỉnh lỵ 60km. Địa bàn huyện giáp với 03 tỉnh gồm: Bình Định, Kon Tum và Gia Lai, có tuyến Quốc lộ 24 đi qua. Đây chính là điều kiện khá thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng với các địa phương khác.

Là địa bàn có diện tích rộng, chiếm 1/5 diện tích toàn tỉnh, chủ yếu là đất rừng trên 100.000 ha chiếm 88,1% tổng diện tích đất toàn huyện, bên cạnh đó là sự đa dạng về loại đất, đi vào khai thác sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, phân bố trên nhiều địa hình khác nhau tạo ra nhiều vùng sinh thái, thích hợp với các loại cây trồng, đặc biệt là cây lâm nghiệp ở vùng đồi núi cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Địa hình dốc với nhiều sông suối có dòng chảy lớn là lợi thế để huyện phát triển công nghiệp - điện năng, hệ thống thủy điện vừa và nhỏ đảm bảo điện cho địa phương cũng như hòa lưới điện quốc gia; toàn huyện có 03 hồ chứa nước lớn đó là: Hồ Núi Ngang, hồ Tôn Dung và hồ Suối Loa, các hồ này đều kết hợp thuỷ lợi, nuôi trồng thuỷ sản và du lịch.

Thổ cẩm Làng Teng tiếp tục được lưu truyền và gìn giữ

Ngoài ra, phát triển du lịch cũng đang là tiềm năng của huyện với các điểm du lịch sinh thái như: Hồ Tôn Dung, hồ Núi Ngang, thác Tà Manh, thác Lệ Trinh, thác Lũng Ồ, thác Cao Muôn, thảo nguyên Bùi Hui, đèo Viôlắk; các di tích lịch sử, các di tích liên quan đến Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ như: Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ tại Quảng Trường 11/3, Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, Nhà đồng chí Trần Quý Hai, Chòi canh Suối Loa, Bến Buôn, khúc sông Liên, Đồn Ba Tơ, Nha Kiểm Lý, Sân vận động Ba Tơ, Bãi Hang Én, Chiến khu núi Cao Muôn, chiến khu Nước Lá - Hang Voọt Rệp gắn với các đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê như: Văn hóa phi vật thể múa, hát Ta lêu, Ka choi, cồng chiêng, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cầu mưa, đám cưới, đàn Brooc, sáo; văn hóa vật thể có sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm, sản phẩm từ nghề đan, lát, cung tên, giáo mác, đồ đồng; văn hóa ẩm thực của đồng bào Hrê: Cá niêng, thịt trâu nấu xà bần, heo ki, gà re, rau ranh ốc đá, cá chạch lấu nấu măng chua, rượu cần.  Các sản phẩm của địa phương như: Thổ cẩm Làng Teng, các loại nhạc cụ dân tộc, các sản phẩm mây tre đan và các món ăn, ẩm thực, rượu cần. Hiện nay toàn huyện có 8 sản phẩm đặc trưng đã được cục sở hữu trí tuệ Bộ KHCN bảo hộ nhãn hiệu gồm: Rượu cần Ba Tơ, thổ cẩm làng Teng, heo thảo dược Hợp An, Mật ong rừng Ba Điền, sim Bùi Hui, Trâu Ba Tơ, tiêu Ba Lế, Du Lịch Ba Tơ.

Một góc Thảo Nguyên Bùi Hui, xã Ba Trang nhìn từ trên cao (Ảnh sưu tầm)

Toàn huyện có 10 cơ sở lưu trú với hơn 80 phòng ngủ tập trung chủ yếu ở thị trấn Ba Tơ và xã Ba Vì, bước đầu các nhà nghỉ trên địa bàn đã đáp ứng cơ bản được phần nào nhu cầu phục vụ khách đến địa phương; Các quán ăn đa số tập trung tại thị trấn Ba Tơ đã phục vụ cho khách đến tham quan du lịch với các món ăn được chế biến theo ẩm thực miền núi của người H’rê.

Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ

Tốc độ tăng trưởng hàng năm đều đạt kế hoạch, năm 2022 đạt 11,35%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trong công nghiệp và dịch vụ. Giá trị sản xuất bình quân đầu người tính đến cuối năm 2022 đạt 42,07 triệu đồng/người/năm. Sản xuất công nghiệp ổn định, có 04 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dăm gỗ hoạt động có hiệu quả, có 2 cụm Công nghiệp trên địa bàn, có 04 nhà máy thủy điện đang hoạt động gồm: Thủy điện ĐăkRe, Núi Ngang, ĐăKre 2, Nước Long - Đức Bảo. Hệ thống giao thông được mở rộng thông suốt, 19/19 xã có đường ô tô đến trung tâm, 90% số thôn có đường ô tô đến thôn, 100% xã đã bê tông hoá đường liên xã không còn bị chia cắt vào mùa mưa; đặc biệt có tuyến QL24, 24B, tỉnh lộ 624, đã được đầu tư nâng cấp. Công tác quốc phòng được đảm bảo, công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Thác Lệ Trinh, xã Ba Chùa cũ nay thuộc địa phận thị trấn Ba Tơ điểm du lịch lý tưởng

Để kinh tế huyện nhà tiếp tục phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả, huyện cũng đã thực hiện các chính sách của Trung ương, của tỉnh và huyện về hỗ trợ đối với các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh, hộ sản xuất, chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về bao tiêu sản phẩm cho người dân sau chu kỳ sản xuất, tập trung xây dựng và phát triển mạnh các sản phẩm OCOP của địa phương. Đây chính là một lợi thế để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư nguồn vốn vào địa bàn huyện, thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh trong thời gian đến.

Tấn Minh

 

 

 

 

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 976

Tổng số lượt xem: 4005350