Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Ba Tơ: Những kết quả đạt được sau 51 năm kể từ ngày giải phóng

28/10/2023 14:32    66

Người dân đồng lòng ra sức xây dựng nông thông mới

78 năm kể từ ngày Khởi nghĩa Ba Tơ giành thắng lợi (11/3/1945-11/3/2023) và 51 năm kể từ ngày Giải phóng (30/10/1972 – 30/10/2023), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ đã không ngừng phát huy truyền thống quê hương Ba Tơ anh hùng, ra sức thi đua lao động sản xuất, đưa huyện nhà từ một trong 62 huyện nghèo nhất nước thoát nghèo vào năm 2022.

Là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70% nhưng giờ đây huyện Ba Tơ đang từng ngày, đổi mới đi lên; từng bước phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng miền núi, vùng căn cứ kháng chiến, An toàn khu. Những con đường liên thôn, liên xã, những chiếc cầu kết nối các bản làng ngày một nhiều lên, cùng với đó là sự giao thương trao đổi mua bán được thuận lợi; những di tích lịch sử minh chứng một thời hào hùng cách mạng của nhân dân các dân tộc Ba Tơ được bảo tồn, tu sữa, nâng cấp; những công trình hạ tầng văn hóa xã hội được mọc lên là những nét chấm phá ấn tượng trong bức tranh đầy sức sống của huyện Ba Tơ trên đường đổi mới. Hệ thống giao thông được mở rộng thông suốt, 19/19 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, có đường ô tô đến trung tâm, 90% số thôn có đường ô tô đến thôn, 100% xã đã bê tông hoá đường liên xã không còn bị chia cắt vào mùa mưa lũ.

Sản phẩm truyền thống của Ba Tơ được trưng bày tại các phiên chợ

Nghề dệt thổ cẩm được lưu truyền

Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt hơn 8,01%. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 11,35%, tổng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) thực hiện đạt trên 1.898 tỷ đồng. Trong đó: Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trên 980 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt trên 637 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 248 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng Nông – Lâm - Ngư nghiệp, tăng dần tỷ trọng Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp 42,07 triệu đồng/người/năm.

Toàn huyện hiện có 04 doanh nghiệp lớn đang hoạt động trong lĩnh vực dăm gỗ, có 2 cụm Công nghiệp trên địa bàn; có 02 nhà máy thủy điện là: Núi Ngang và ĐăkRe đi vào hoạt động đem lại giá trị kinh tế cao, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách huyện. Hiện nay huyện tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các thủy điện Ba Vì, Nước Long, Đăk Re2, Sông Liên 1. Với sự đầu tư và phát triển về công nghiệp trên địa bàn huyện đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Thương mại - dịch vụ đã có bước phát triển khá. Chợ thị trấn Ba Tơ, chợ liên xã khu Đông đã trở thành trung tâm mua sắm của người dân. Nhiều cửa hàng, dịch vụ hình thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu của người dân.

Các cây trồng chủ lực giúp người dân Ba Tơ giảm nghèo bền vững

Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa của địa phương cũng có những bước phát triển đáng kể, đến nay huyện đã hoàn thành và giữ chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 năm học 2022-2023, thực hiện dạy học  đối với các khối lớp 1, 2, 3 và lớ 6, 7 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 100%, trẻ vào lớp 1 đạt 111,56%, vào lớp sáu đạt 97,49%, Ban hành đề án xây dựng trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2021-2025, tiếp tục thực hiện đầu tư mới, sữa chữa cơ sở vật chất cho các trường học và mua sắm trang thiết bị dạy học, hiện toàn huyện có 14 trường đạt chuẩn quốc gia; Công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân được chú trọng, 100% xã, thị trấn có trạm y tế có biên chế bác sĩ, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi đạt 24,3%,  có 17 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, chiếm tỷ lệ 89,47%; tỷ lệ người tham gia đóng bảo hiểm y tế toàn dân đạt  98,5%. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, hàng năm giảm từ 5-7%, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 còn 29,1%, hiện nay huyện Ba Tơ đã thoát khỏi huyện nghèo. Đến nay có 18/19 xã có nhà văn hoá, 93/93 thôn tổ dân phố có nhà văn hoá thôn. Tỷ lệ nghe đài truyền thanh 87%, xem truyền hình 90%.

Đối tượng chính sách được quan tâm xây dựng nhà ở

Công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội được thực hiện tốt. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền ban hành các chương trình hành động, kế hoạch chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về bảo đảm an ninh, trật tự, hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được tăng cường. Thường xuyên nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Qua đó, tội phạm giảm, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt cao. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố và phát triển theo hướng xây dựng tổ chức quần chúng, cụm an toàn về ANTT trở thành hạt nhân phong trào ở cơ sở.  Năm 2022, có 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”, 98% nhà trường, doanh nghiệp, cơ quan đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

                                                            Tấn Minh

 

 

 

 

 

 

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1137

Tổng số lượt xem: 4007272