Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Ba Tơ: Bức phá phát triển mạnh mẽ sau ngày giải phóng

27/10/2023 16:48    22

Ảnh sưu tầm từ Tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ngày 30/10/1972, đã đi vào lịch sử và trở thành biểu tượng sinh động về tinh thần đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Ba Tơ dưới sự lãnh đạo của Đảng. 51 năm qua, đảng bộ và chính quyền và nhân dân Ba Tơ đã đồng lòng vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Mùa xuân năm 1972, quân Mỹ rút khỏi địa bàn huyện Ba Tơ giao cho quân Ngụy quản lý. Nắm được thời cơ trên chiến trường, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V quyết định tấn công giải phóng quận lỵ Ba Tơ, tạo thế chiến lược mới cho cả Quân khu. Sau một thời gian dài chuẩn bị, Bộ Tư lệnh Quân khu V giao cho Trung đoàn 52 làm nhiệm vụ tấn công giải phóng Quận lỵ Ba Tơ và Tiểu đoàn đặc công 406 - Quân khu V tiêu diệt chi khu Đá Bàn.

Chiến dịch giải phóng Ba Tơ được chính thức mở màn vào ngày 15/9/1972. Tuy nhiên mở đầu chiến dịch tuy gặp khó khăn do trời mưa to, bão lụt nhưng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị cùng với lực lượng của bộ đội chủ lực, lực lượng địa phương, du kích và đồng bào nên đã quyết tâm và đồng loạt nổ súng đều khắp.

Trong 3 ngày đầu của chiến dịch, quân và dân ta đã tấn công mạnh mẽ vào quận lỵ và các cứ điểm xung quanh quận lỵ Ba Tơ, đánh chiếm đồn Hòn Cú, Hang Én, ấp Hoàn Đồn, ấp Con Dung, ấp Ruộng Con, đánh thiệt hại nặng nề Tiểu đoàn 69 của địch. Đến 21 giờ 45 phút ngày 18 tháng 9 ta đã chiếm lĩnh hoàn toàn quận lỵ Ba Tơ và bao vây chặt khu biệt kích Đá Bàn.

Địch không tiếp viện được cho Đá Bàn vì quân ta bao vây chặt. Súng, đạn, lương thực từ máy bay thả xuống bị ta thu hết. Địch chống trả quyết liệt bằng pháo hạng nặng, bằng máy bay B52. Tuy nhiên, trung đoàn 52 đã cùng quân dân Ba Tơ kiên trì trụ bám giữ từng tấc đất, chiến đấu suốt gần 45 ngày đêm. Cuối cùng với sức ép mạnh mẽ của quân ta, tối 30/10/1972 địch bỏ chạy khỏi Đá Bàn, Ba Tơ đã hoàn toàn giải phóng. Đây cũng là Quận lỵ, chi khu giải phóng sớm ở Khu V.

Một góc thị trấn Ba Tơ ngày nay

Ba Tơ giải phóng đã mở cánh cửa chiến lược để vào giải phóng các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, góp phần quan trọng tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam trong mùa Xuân 1975 lịch sử, thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Ba Tơ mang trên mình biết bao thương tích của hai cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt. Thế nhưng với bản chất gan dạ, anh hùng trong chiến đấu, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất, người dân Ba Tơ đã chung sức, chung lòng đưa Ba Tơ từ một huyện nghèo bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu trong các huyện miền núi về phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo. Ba Tơ là một huyện được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang sớm nhất tỉnh (năm 1972) và năm 2006 huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Hiện Ba Tơ là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Lực lượng vũ trang huyện ra quân huấn luyện hàng năm

Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện được xác định là Nông lâm nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, Thương mại dịch vụ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tỷ trọng Nông - Lâm nghiệp giảm dần và tăng tỷ trọng Công nghiệp - Dịch vụ. Trong những năm qua, kinh tế của huyện tăng trưởng mang tính ổn định và bền vững, năm sau luôn cao hơn năm trước. Tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị sản xuất đạt trên 1.898 tỷ đồng, giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt trên 42 triệu đồng/người/năm.   

Người dân đưa các giống lúa tiêu chuẩn vào sản xuất đại trà

Trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, bên cạnh việc đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, huyện Ba Tơ cũng đã đầu tư kiên cố hóa hóa kênh mương, thủy lợi, nhằm đảm bảo nguồn nước tưới. Nhờ vậy, dù là huyện miền núi nhưng hiện Ba Tơ có trên 73% diện tích lúa được tưới công trình kiên cố hóa, và 26% diện tích được tưới bằng các công trình đập tạm. Chính vì vậy mà năng suất lúa của huyện luôn đạt từ 55-60 tạ/ha, dẫn đầu so với các huyện miền núi. Cùng với cây lúa, thì các loại cây trồng khác như: Mì, ngô sinh khối và một số loại cây trồng khác cũng được người dân trong huyện tập trung phát triển. Nói đến Ba Tơ thì cũng không thể không nói đến phong trào trồng rừng được phát triển khá mạnh. Những năm qua, cây rừng, đặc biệt là trồng rừng sản xuất đã giúp cho hàng ngàn hộ dân huyện nhà vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Huyện Ba Tơ hiện có trên 97.000 ha đất rừng, trong đó, rừng phòng hộ có hơn trên 37.000 ha, rừng sản xuất gần 60.000 ha. Theo thống kê, thì hiện trung bình mỗi hộ dân ở Ba Tơ đều có ít nhất 01 ha rừng, có hộ có từ 5-10 ha rừng. Nhờ trồng rừng mà nhiều hộ dân ở huyện miền núi Ba Tơ có thu nhập hàng trăm triệu đồng, có hộ thu hàng tỷ đồng nhờ trồng rừng. Có thể nói, 51 năm sau ngày giải phóng huyện miền núi Ba Tơ đã thay da đổi thịt rất nhiều, đời sống của đại đa số người dân đã đi vào ổn định, tập trung làm ăn phát triển kinh tế.

Tấn Minh

 

 

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1516

Tổng số lượt xem: 4006374