Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND huyện giám sát việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tại xã Ba Khâm

14/08/2022 21:23    255

Đoàn giám sát đi thực tế mô hình trồng chuối mốc bản địa tại thôn Vẩy Ốc, xã Ba Khâm

Thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 28/7/2021 của HĐND huyện Ba Tơ, về chương trình giám sát năm 2022, sáng ngày 10/8/2022, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND huyện Ba Tơ do đồng chí Đinh Thị Y Ban Quý - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện, trưởng đoàn giám sát, đã có buổi giám sát việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020 tại xã Ba Khâm. Cùng tham dự buổi giám sát có các thành viên trong đoàn, các ngành liên quan.

Trước khi có buổi làm việc với UBND xã Ba Khâm đoàn đã đi thực tế tại một số mô hình chăn nuôi dê sinh sản ở tổ Hố Sâu, thôn Đồng Răm; mô hình trồng cây mít thái; mô hình trồng cây chuối mốc; mô hình nuôi heo sinh sản ở thôn Vẩy Ốc, xã Ba Khâm.

Theo báo cáo của UBND xã Ba Khâm tại buổi giám sát, giai đoạn 2016-2020, xã Ba Khâm đã lồng ghép nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong các dự án phát triển sản xuất, thuộc chương trình 30a, 135, giảm nghèo Tây Nguyên, nông thôn mới theo hướng áp dụng giống cây trồng mới, liên kết sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng với tổng kinh phí hơn 3,9 tỷ để đầu tư các loại cây, con giống cho 214 hộ dân. Về trồng trọt: Đã hỗ trợ lúa giống, keo giống cấy mô, cây chuối cây mô, cây tiêu giống, cây cau, cây mít thái, cây mây nước. Về hỗ trợ con giống gồm: Trâu giống, trâu sinh sản, bò sinh sản, dê, gà ta và vịt xiêm. Cùng với đó xã đã bố trí nguồn ngân sách của xã, nguồn ngân sách bù thủy lợi phí hàng năm và các nguồn từ dự án giảm nghèo Tây Nguyên để đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi và phát triển vùng nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp.

Nhìn chung, các loại cây trồng, vật nuôi có ưu thế của địa phương đã được Nhân dân đưa vào sản xuất trên diện rộng như; các loại giống lúa sản lượng cao, cây keo, cây chuối mốc bản địa, cây mây nước, trâu, lợn, gà, vịt xiêm, khá thích hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp tăng trưởng ổn định. Tỷ trọng giữa các lĩnh vực phát triển kinh tế nông thôn: Nông nghiệp chiếm 39,7%, lâm nghiệp chiếm 46,8%, thương mại - dịch vụ chiếm 13.5%.  Việc thực hiện công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần giúp địa phương hoàn thành thêm một số tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những mặt đạt được, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở xã Ba Khâm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã còn phân tán nhỏ lẻ, phát triển thiếu ổn định và thiếu vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, ngành trồng trọt còn chiếm tỷ trọng cao. Việc triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, hiệu quả chưa cao. Nhiều loại cây, con giống cấp cho hộ dân tỉ lệ sống rất thấp, do thời tiết khô hạn, thiếu nước, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng chưa được người dân quam tâm đúng mức. Nhiều trâu, bò giống, bò sinh sản được cấp cho người dân tăng trưởng chậm, tái đàn không cao, do người dân vẫn còn tập quán chăn nuôi lạc hậu, chưa áp dụng kỹ thuật khoa học vào việc chăm sóc. Ngoài ra, các hoạt động dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp trên địa bàn xã hầu như chưa phát triển nên, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn; kinh tế hộ gia đình vẫn đóng vai trò chủ yếu, kinh tế trang trại chưa phát triển.

Qua giám sát, đoàn đã chỉ ra những ưu, khuyết điểm của các mô hình được thực hiện trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020 tại xã Ba Khâm. Về ưu điểm, xã Ba Khâm đã xác định được một số loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn xã như: Gieo trồng những giống lúa có sản lượng cao; phát triển cây chuối mốc bản địa; nuôi dê sinh sản; heo sinh sản; phát triển kinh tế rừng. Việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đã tạo điều kiện tích cực cho người dân tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi có năng sất cao, chất lượng tốt. Một số hộ dân được hưởng lợi đã phát huy được phương pháp chăn nuôi, trồng trọt để góp phần tăng thu nhập, khuyến khích các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như: Một số hộ dân vẫn còn tính trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nên nhiều mô hình, dự án sau khi hết thời gian hỗ trợ, thì không tái đàn hoặc không mở rộng quy mô. Việc khảo sát ban đầu chưa tốt, thời điểm cấp giống cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp nên dẫn đến tình trạng tỉ lệ chết cao như: Cây cau, cây chuối cấy mô, cây tiêu…. Cùng với đó công tác tuyên truyền, theo dõi, đôn đốc người dân thực hiên các mô hình, dự án chưa được quan tâm đúng mức.

Đồng chí Đinh Thị Y Ban Quý - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND Tơ phát biểu kết luận buổi giám sát

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Đinh Thị Y Ban Quý - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện đề nghị xã Ba Khâm cần phát huy những ưu điểm và có biện pháp khắc phục những hạn chế và đề xuất, kiến nghị những giải pháp phù hợp để tiếp tục triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đạt hiệu quả cao trong giai đoạn tiếp theo. Những mô hình, những loại cây trồng, vật nuôi đã triển khai có hiệu quả cần phải tuyên truyền, vận động và có những biện pháp hỗ trợ  nhân rộng. Những mô hình chưa phát huy hiệu quả cần có đánh giá, rút kinh nghiệm để có hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

                                                                                   Hữu Phát

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1016

Tổng số lượt xem: 4011041