Phong trào cách mạng ở Ba Tơ sau khi Bác Hồ ra lời kêu gọi quần chúng tham gia Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc đánh đuổi Pháp - Nhật
Đêm 16 rạng sáng ngày 17/7/1943, truyền đơn của Việt Minh được rải dọc Quốc lộ 1 từ Bình Sơn đến Tư Nghĩa và một số nơi khác trong và ngoài tỉnh. Truyền đơn có ký tên “Việt Nam độc lập đồng minh” và “Ủy ban vận động cứu quốc Quảng Ngãi”. Lần đầu tiên chương trình Mặt trận Việt Minh được in, rải ở 3 địa điểm: Liên Trì (Bình Sơn), gần Núi Bút (Nam thị xã Quảng Ngãi), Vĩnh Hưng (Chợ Cung, Đức Phổ), truyền đơn và cờ đỏ sao vàng cùng xuất hiện ở cầu Cát thuộc địa phận La Hà, xã Nghĩa Thương, Tư Nghĩa.
Ảnh hưởng của Đảng và Việt Minh được lan rộng. Các đồng chí ở Căng an trí Ba Tơ chuẩn bị kế hoạch thoát về các địa phương hoạt động, không để địch bắt. Tháng 2/1944, địch đưa đồng chí Trương Quang Giao, tiếp sau đó các đồng chí Trần Quý Hai, Trần Lương từ nhà đày Buôn Ma Thuột về Ba Tơ. Cuối tháng 12/1944, tại lò gạch bên suối Nước Năng, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập. Đồng chí Trương Quang Giao được cử làm Bí thư.
Tại Quảng Ngãi, cơ sở cách mạng đã mở rộng ra nhiều vùng ở các huyện đồng bằng. Ở Ba Tơ, cơ sở cách mạng trong đồng bào các dân tộc được xây dựng ở một số nơi. Một số già làng được ta vận động đứng về phía nhân dân như Già Kiêu, Đinh Rua, Đinh Rói... Cơ sở trong binh lính ở đồn binh Ba Tơ cũng được gây dựng. Các đoàn thể quần chúng cứu quốc như Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ được phát triển. Nhận rõ được tình hình đó, Tỉnh ủy lâm thời quyết định tổ chức cuộc giải thoát tập thể các đồng chí trong tổ chức khỏi Căng an trí Ba Tơ về các địa phương hoạt động và chủ trương khi có thời cơ thuận lợi sẽ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Ba Tơ.
Công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, gấp rút thì một sự kiện mới xảy ra, sớm hơn dự kiến của Tỉnh ủy. Đêm ngày 09/3/1945 Nhật đảo chính Pháp. Nhật làm chủ toàn bộ Đông Dương, Pháp không thể chống cự và phải tháo chạy.
Ngay trong đêm ngày 09/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng, nhận định cuộc đảo chính sẽ tạo một tình thế khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện của cuộc tổng khởi nghĩa chín muồi. Hội nghị chủ trương lấy khẩu hiệu “Đánh đuổi Phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu “Đánh đổ Nhật Pháp” và phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Hội nghị còn quyết định cho phép những nơi nào có điều kiện thì phát triển chiến tranh du kích, giành chính quyền địa phương, chuyển sang những hình thức đấu tranh cao và mạnh hơn như biểu tình thị uy, lập Ủy ban nhân dân cách mạng...
Ở Quảng Ngãi, sau sự kiện đột biến này, thời cơ cách mạng đã xuất hiện. Các tổ chức cứu quốc cả chính trị và vũ trang đang phát triển mạnh dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời.
Tuy chưa nhận được Chỉ thị của Trung ương: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” nhưng với tinh thần chủ động, khi được tin từ cơ sở báo lên tối ngày 10/3/1945 tại nhà một số cơ sở gần đồn Ba Tơ. Đồng chí Trương Quang Giao thay mặt Đảng bộ triệu tập tất cả đảng viên và các đồng chí chưa được khôi phục lại danh hiệu đảng viên ở Căng an trí để phổ biến chủ trương và kế hoạch hành động. Tất cả đều đồng lòng hưởng ứng và sẵn sàng hành động với tinh thần tin tưởng và phấn khởi. Tất cả được tiến hành trong đêm 10/3, tuy nhiên khi ta hành động, địch đã đóng chặt cửa đồn, không cho lính ra ngoài. Nguyên nhân là do chúng nghe tin Nhật - Pháp bắn nhau nên đã đối phó bằng cách “cấm trại”. Ban Lãnh đạo họp khẩn cấp vào trưa ngày 11/3 tại chòi canh Suối Loa để có kế hoạch mới và xác định quyết tâm phải tiến hành cho kỳ được cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ở Ba Tơ. Một cuộc mít tinh lớn được tiến hành tại sân vận động Ba Tơ, sau đó biến thành cuộc biểu tình thị uy.
Đội du kích Ba Tơ họp bàn kế hoạch chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa tại khu căn cứ địa, tháng 3/1945
(Ảnh sưu tầm từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Sau cuộc mít tinh, đội quân khởi nghĩa gồm 17 đồng chí tiến vào Nha kiểm lý - cơ quan ngụy quyền của Châu lỵ Ba Tơ - buộc tên Bùi Danh Ngũ cùng với các chánh tổng, chủ làng đang họp giao nộp lại toàn bộ vũ khí, giấy tờ, con dấu cho lực lượng khởi nghĩa, chấp hành mệnh lệnh của cách mạng. Chính quyền địch ở châu lỵ nhanh chóng tan rã. Lực lượng ta thu toàn bộ súng đạn, lương thực trong đồn. Cờ tam tài của địch bị hạ xuống. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên báo tin mừng thắng lợi.
Tấn Minh