Góp sức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người Hrê
Chúng tôi ngồi dưới mái nhà sàn của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Rôm, âm thanh chiêng ba qua bàn tay của Nghệ nhân Phạm Văn Rôm và những người cùng chơi với ông rất có hồn. Từ tiết tấu, nhịp điệu có khởi đầu, có cao trào, có kết thúc, khi trầm thổn thức, khi rạo rực, lúc cao trào mạnh mẽ, dồn dập, thôi thúc. Theo nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Rôm: “Muốn điều khiển được chiêng ba thì phải hiểu nó, phải coi nó như người bạn của mình, như vậy khi đánh chiêng, hồn mình, hồn chiêng sẽ hòa vào nhau, đẩy lên những âm thanh da diết, vang vọng núi rừng”.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Rôm với bộ Chiêng 3
Đưa đôi tay mân mê mặt chiêng, cẩn thận lau chùi kỹ từng vết bụi bẩn, ông Rôm kể về niềm đam mê Chiêng 3 của mình. Theo ông, ngày nhỏ ông thường theo chân cha mẹ tham gia các ngày hội của làng, được nhìn, được nghe các bậc đàn ông lớn tuổi đánh chiêng mà trong lòng thích thú vô cùng. Cũng từ những ngày hội ấy, niềm đam mê với chiêng ba trong ông bắt đầu nẩy nở. Lớn lên một chút ông bắt đầu lân la làm quen và theo các bậc lớn tuổi học đánh chiêng, được sự truyền dạy tận tình của những người lớn tuổi, ông đã trở thành người chơi thành thạo các điệu chiêng.
Theo ông, gọi là Chiêng 3 bởi lẽ bộ chiêng này có 3 chiếc. Khi trình diễn, chiêng Vông được để nghiêng, chiêng Tum để nằm, chiêng Túc treo trên dây. Chiêng Tum đóng vai trò giữ nhịp, chiêng Vông và chiêng Túc theo giai điệu. Chiêng Vông và chiêng Tum đánh bằng nắm tay trần, chiêng Túc đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm. Người đánh chiêng giỏi nhất sẽ đánh chiêng Túc, dẫn dàn chiêng diễn tấu theo đúng bài bản và nhịp điệu. Khi diễn tấu dàn chiêng 3 chiếc, người đánh chiêng ngồi ở vị trí ổn định, không di chuyển.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Rôm (thứ ba từ phải sang) tham gia Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca
Không chỉ am hiểu về chiêng và chơi chiêng điêu luyện, nhiều năm nay Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Rôm luôn tích cực truyền cảm hứng, đánh thức trách nhiệm và tình yêu với văn hóa dân tộc đến nhiều người trẻ trong làng. Với ông, dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ là bằng cả tâm huyết, giống như các thế hệ đi trước đã truyền lửa mình. Ông không chỉ mở lớp, nhưng khi nghe các thanh niên chơi chiêng chưa đúng nhịp, hoặc chưa có hồn là ông tìm cách chỉ dạy cho giới trẻ. Hàng năm bình quân có từ 25 đến 30 cháu được ông truyền dạy ở nhà văn hoá thôn. Ngoài ra ông còn tham gia rất tích cực các phong trào văn nghệ, liên hoan văn nghệ quần chúng và tham gia trình diễn chiêng ba trong và ngoài tỉnh.
Ông Phạm Văn Rôm (đứng giữa) nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh
Trong những năm qua, gia đình nghệ nhân Phạm Văn Rôm luôn đạt danh hiệu gia đình văn hoá, bản thân ông tích cực vận động nhân dân trong thôn thực hiện tốt các nội dung và tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Đồng thời, đi đầu trong phát triển kinh tế, các con trong gia đình có việc làm ổn định, các cháu chăm ngoan học giỏi. Mới đây, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Rôm đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
Hữu Phát