Tận dụng mặt nước Hồ Núi Ngang để phát triển kinh tế
Sau một đêm dầm lưới, sáng sớm người dân trong Tổ hợp tác nuôi cá hồ Núi Ngang, xã Ba Liên, huyện Ba Tơ khai thác cá trở về. Những rỗ cá đầy ắp những loại cá mè, cá trắm cỏ, trắm đen, chạch lấu, thác lát, cá diếc. Năm nay cá ở hồ phát triển tốt, sản lượng cá lớn, tuy nhiên trọng lượng cá có nhỏ hơn so với các năm trước. Nguồn cá đánh bắt không chỉ cải thiện bữa cơm thường ngày cho người dân mà còn tạo điều kiện cho bà con nơi đây mua bán. Anh Phạm Văn Sương, Tổ trưởng tổ nuôi cá nước ngọt hồ Núi Ngang, xã Ba Liên cho biết: “Sản phẩm cá từ hồ rất phong phú, ngoài các loại giống cá nuôi còn có nhiều loại cá tự nhiên mang giá trị kinh tế cao như chạch lấu, thác lác, cá diếc, cá chình…Cá ở hồ ăn thức ăn tự nhiên, mặt hồ rộng nên cá rất ngon, được thị trường rất ưa chuộng. So với mọi năm thì cá nhiều hơn, tuy cá nhỏ hơn, hiện nay chưa kết thúc vụ khai thác nhưng mỗi thành viên trong Tổ hợp tác cũng được số tiền từ 30 đến 40 triệu đồng từ việc bán cá. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn mở thêm dịch vụ Câu cá giải trí, từ đầu năm 2023 đến nay sau khi từ chi phí quản lý câu cá, dịch vụ này đã mang lại khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này được dùng cho việc mua cá giống cho vụ sau”.
Hồ Núi Ngang là hồ chứa nước lớn thứ 3 trong tỉnh, với diện tích lưu vực 57 km2,, dung tích hồ hơn 21 triệu m3. Hồ chứa nước phục vụ cho hơn 1.450 héc ta ruộng và cung cấp nước cho một số địa phương của 3 huyện, thị xã: Ba Tơ, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ. Dưới đập xả là thủy điện Núi Ngang. Tận dụng lượng nước và mặt hồ lớn, mỗi thành viên trong Tổ hợp tác nuôi cá hồ Núi Ngang góp mỗi người 1,5 triệu đồng và tiền từ dịch vụ câu cá giải trí để mua cá giống. Các thành viên của Tổ hợp tác nuôi cá thay phiên quản lý, kiểm tra khu vực hồ. Đến vụ thu hoạch cá cùng nhau khái thác, thu nhập tùy theo khả năng của từng người. Cùng với đó, Tổ hợp tác còn mở dịch vụ câu cá giải trí, dịch vụ này mang lại nguồn thu rất ổn định, từ đầu năm 2023 đến nay sau khi trừ các chi phí quản lý bán vè cấu cá, tổ hợp tác đã có nguồn thu gần 100 triệu đồng. Sự kết hợp này đã gợi mở hướng đi mới cho chính quyền trong phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống cho dân trong vùng. Ông Phạm Văn Cu – Chủ tịch UBND xã Ba Liên cho biết: “Theo kiểm tra rà soát của xã, việc tận dụng mặt nước hồ Núi Ngang trong những năm qua rất hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho 45 hộ dân. Trong đó có nguồn thu nhập từ việc khai thác cá bán ra thị trường và dịch vụ câu cá giải trí. Trước mắt, xã khuyến khích Tổ hợp tác phát triển sản phẩm cá xay lọc xương từ các loại cá nuôi từ hồ. Bước đầu sản phẩm này rất được thị trường ưu chuộng. Đây cũng là một hướng đi mới nhằm bớt lệ thuộc vào tư thương và nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Định hướng của chính quyền địa phương là tiếp tục mở rộng dịch vụ câu cá giải trí và tiến tới phát triển sản phẩm OCOP cá mè 01 nắng. Trong những năm tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các ngành chức năng tận dụng cảnh quang nơi đây để phát triển du lịch cộng đồng phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.
Dịch vụ câu cá giải trí ở hồ Núi Ngang thu hút nhiều người đến câu cá
Việc kết hợp giữa thủy lợi và nuôi cá nước ngọt cùng dịch vụ câu cá, nâng cao giá trị sản phẩm cá, phát triển sản phẩm OCOP cá mè 01 nắng, cũng như phát huy cảnh quang để phát triển du lịch cộng đồng ở hồ Núi Ngang, xã Ba Liên là hướng đi khá phù hợp với mong muốn của người dân trong vùng. Đây là hướng phát huy lợi thế mặt nước, góp phần phát triển kinh tế cho người dân và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Hữu Phát