Trang thông tin điện tử

UBND HUYỆN BA TƠ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họp đánh giá công tác khuyến nông giai đoạn 2022-2023, triển khai kế hoạch năm 2024 trên địa bàn huyện

Sáng ngày 02/02/2024, UBND huyện Ba Tơ tổ chức họp đánh giá công tác khuyến nông giai đoạn 2022-2023, triển khai kế hoạch năm 2024 trên địa bàn huyện. Đồng chí Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện đã báo cáo công tác khuyến nông giai đoạn 2022-2023. Theo đó, năm 2022, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện đã triển khai thực hiện 03 mô hình ngắn ngày gồm: Mô hình trồng thâm canh cây sắn bền vững tại 03 xã: Ba Vì, Ba Tô và Ba Thành; Mô hình nuôi ốc bưu đen thương phẩm thực hiện tại thị trấn Ba Tơ và mô hình chăn nuôi gà bản địa tại xã Ba Tô và thị trấn Ba Tơ và 03 mô hình dài ngày gồm: Mô hình chuối già Nam Mỹ tại xã Ba Tô, mô hình Dỗi tại xã Ba Điền và mô hình trâu đực giống tại xã Ba Giang.

Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện báo cáo công tác khuyến nông giai đoạn 2022-2023

Năm 2023, triển khai 05 mô hình gồm: Mô hình “1 phải, 5 giảm trong sản xuất lúa” tại xã Ba Động; Mô hình “thâm canh lúa thuần vùng khó khăn” tại xã Ba Trang, Mô hình nuôi cá chim trắng trong ao tại 02 xã Ba Vì và thị trấn Ba Tơ; Mô hình trồng thâm canh cây dứa tại thị trấn Ba Tơ; mô hình ứng dụng phân hữu cơ Nano trong sản xuất rau và mô hình trồng cây susu.

Qua đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình khuyến nông huyện trong 02 năm 2022-2023, ngành chức năng đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, đã phối hợp với địa phương tuyên truyền nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả giúp cho người nông dân định hướng sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật mới ngày càng nhiều, hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập, giảm thiểu những rủi ro. Từ những hiệu mà mô hình mang lại đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống của dân cư nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác khuyến nông năm 2022-2023 thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải được đánh giá rút kinh nghiệm như: Một số địa phương nơi triển khai mô hình còn chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp trong công tác triển khai để người dân tiếp cận khuyến nông, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông huyện để nhân rộng mô hình mới, tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, nâng giá trị thu nhập; các mô hình được đầu tư còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo vùng nguyên liệu, thị trường để phát triển thành quy mô sản xuất hàng hoá, đầu ra của sản phẩm không được bảo đảm ổn định, người dân còn thiếu tự tin trong sản xuất.

  Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chuyên môn ở huyện và các địa phương trong thực hiện công tác khuyến nông huyện giai đoạn 2022-2023. Đồng thời yêu cầu trong thời gian tới Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc triển khai thực hiện các mô hình, làm sao để người dân thấy được hiệu quả và cùng nhân rộng các hình ra diện rộng để nâng cao đời sống cho người dân, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân; dự tính, dự báo, thông báo tình hình dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi, chỉ đạo phòng chống kịp thời, hiệu quả, đảm bảo an toàn cho sản xuất.

Năm 2024, huyện tiếp tục triển khai một số mô hình mới có tính khả thi cao như: Mô hình trồng nấm sò (nấm bào ngư); mô hình nuôi dúi sinh sản; mô hình nuôi cầy vòi hương sinh sản; mô hình nuôi hưu sao sinh sản; Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập huấn các mô hình đang có hiệu quả cao trong năm 2022-2023; đẩy mạnh việc kết nối, liên kết thị trường đầu ra thông qua các hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, doanh nghiệp, Công ty tạo ra các kênh liên kết phân phối bền vững.

                                                            Tấn Minh

 

 


Kết quả giải quyết hồ sơ