Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Đổi thay nơi chiến trường xưa

19/09/2024 10:43    89

Quang cảnh khu trung tâm xã Ba Vì

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, các lực lượng vũ trang của ta cùng với đồng bào ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long đồng loạt tấn công các mục tiêu của cụm cứ điểm Giá Vực, giải phóng hoàn toàn huyện Sông HRe (ngày 20/9/1974). Kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo, khí phách Anh hùng của chiến thắng Giá Vực, 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ba Vì nói riêng, Ba Tơ nói chung đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn và vững bước đi lên trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt năm 2022, chiến thắng Giá Vực đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, minh chứng cho chiến thắng hào hùng của quân và dân ta.

Đã 50 năm trôi qua, những người lính khi xưa tham gia trận chiến tấn công cụm cứ điểm Giá Vực, giải phóng huyện Sông HRe nay đã già, có người không còn nữa, nhưng với ông Đinh Ngọc Đê, hiện ở Tổ dân phố Bắc Hoàn Đồn, thị trấn Ba Tơ, nay đã gần 80 tuổi, thì ký ức về chiến thắng Giá Vực năm xưa vẫn còn nguyên vẹn. Hồi ấy, ông Đinh Ngọc Đê là đại đội phó của Huyện đội Sông HRe, trực tiếp tham gia giải phóng Giá Vực. Theo ông Đinh Ngọc Đê, cụm cứ điểm Giá Vực có vị trí chiến lược quân sự hết sức quan trọng, án ngữ trên đường 5 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum và từ Ba Tơ đi các huyện phía tây Quảng Ngãi. Nơi đây được quân đội Sài Gòn xây dựng căn cứ quân sự rất kiên cố để liên kết bảo vệ phía tây Quảng Ngãi. Cụm cứ điểm Giá Vực do Tiểu đoàn 70, biệt động quân của địch đóng giữ, với quân số khoảng 550 tên, với hệ thống nhiều lớp bảo vệ, gồm nhiều cứ điểm, chốt bảo vệ ngoại vi. Ở Trung tâm có nhiều lô cốt, hầm ngầm, công sự vững chắc, kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh, dày đặc.

Trận tiến công Giá Vực là một trận đánh hiệp đồng binh chủng mạnh với nhiều binh chủng như: Pháo binh, cao xạ, công binh, tăng thiết giáp, đặc công, bộ binh, lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích và Nhân dân. Sau thời gian chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, Đúng 06 giờ sáng ngày 19/9/1974, các đơn vị thuộc Lữ đoàn 52 và các đơn vị của Quân khu 5, Tiểu đoàn 20 bộ đội địa phương Quảng Ngãi, huyện đội Sông HRe, dân quân du kích được lệnh tiến công cụm cứ điểm Giá Vực. Mở đầu trận tiến công, pháo cơ giới và súng 120 ly, 160 ly của ta bắn phá các mục tiêu và các chốt điểm bao quanh trung tâm căn cứ Giá Vực. Các lực lượng của ta đã tiến công quyết liệt các chốt, điểm của hệ thống phòng thủ vòng ngoài. Sau 1 ngày đêm ta tiến công quyết liệt, địch bị cô lập hoàn toàn ở trung tâm căn cứ Giá Vực. Đến sáng ngày 20/9/1974, bằng một trận tiến công hiệp đồng binh chủng mạnh, Tiểu đoàn 8 của lữ đoàn 52 và Tiểu đoàn đặc công 406 của quân khu 5, có xe tăng dẫn dắt từ hai hướng ào ạt đánh chiếm toàn bộ khu trung tâm Giá Vực. Đến 12 giờ 30, ngày 20/9/1974, cụm cứ điểm Giá Vực bị đập tan, huyện Sông HRe được giải phóng hoàn toàn. Chiến thắng Giá Vực ta đã bắt sống 10 sĩ quan chỉ huy của địch, tiêu diệt, bắt sống và xóa sổ Tiểu đoàn 70 biệt động quân của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 tên địch, thu nhiều loại đạn dược quân dụng, đập tan cụm cứ điểm phòng ngự kiên cố, vững chắc của địch, giải phóng hoàn toàn huyện Sông HRe, tạo thế liên hoàn cho vùng giải phóng phía tây tỉnh Quảng Ngãi, góp phần giải phóng tỉnh nhà và giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Là người trực tiếp tham gia giải phóng Giá Vực, được vinh dự đứng kết nạp vào Đảng ở mặt trận này và sau đó sinh sống trên mảnh đất Ba Vì, ông Trần Xuân Mộc ở thôn Giá Vực, xã Ba Vì đã chứng kiến sự đổi thay nơi chiến trường xưa. Theo ông Trần Xuân Mộc, sau ngày quê hương được giải phóng, đời sống của Nhân dân Ba Vì nói riêng, các xã của huyện Sông HRe còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, giao thông cách trở, hậu quả chiến tranh để lại nặng nề. Đến tháng 12/1975, huyện Sông HRe hợp nhất với huyện Ba Tơ. Từ đó đến nay, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Ba Vì nói riêng, các xã khu tây nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Ba Tơ quyết tâm đoàn kết một lòng, ra sức khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống của người dân, từng bước xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đến nay đời sống của người dân ngày càng phát triển về mọi mặt, số hộ có kinh tế khá giả càng nhiều, bộ mặt xã nhà ngày càng đổi thay tích cực.

Với những thành tích đạt được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, quân và nhân dân xã Ba Vì vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ba Vì vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo, khí phách Anh hùng của chiến thắng Giá Vực, 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ba Vì nói riêng, Ba Tơ nói chung đã nỗ lực phấn đấu vượt qua và đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, Ba Vì đã đạt được những bước tiến đáng phấn khởi và tự hào trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo được vị thế của xã trung tâm khu tây của huyện, góp phần xây dựng quê hương Ba Tơ Anh hùng ngày càng phát triển.

Khu trung tâm của xã Ba Vì đã trở thành điểm buôn bán nhộn nhịp của các địa phương khu tây của huyện Ba Tơ và các huyện lân cận, hiện đang hình thành Khu đô thị mới Ba Vì. Đến cuối năm 2023, giá trị sản xuất bình quân đầu người của xã Ba Vì đạt 45,7 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo của xã là 11,58%, giảm 2,85% so với năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất của Ba Vì ước đạt: 47,82 tỷ đồng, đạt 50,17%, so với Nghị quyết HĐND xã giao. Trong đó, Nông – lâm nghiệp đạt 26,34 tỷ đồng; Thương mại và dịch vụ: 21,48 tỷ đồng.

Vòng xoay Ba Vì đi Ba Xa đang hoàn thiện

Hiện nay xã Ba Vì đã khoác lên mình diện mạo mới. Đến cuối năm 2023, Ba Vì đạt 34/49 chỉ tiêu đô thị loại V, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Hiện nay dự án chỉnh trang đô thị mới Ba Vì đang hoàn thành để chào mừng Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Giá Vực. Đây cũng là Dự án được đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới của xã Ba Vì và hoàn thành chỉ tiêu về hạ tầng đô thị, đưa khu đô thị mới của Ba Vì trở thành đô thị loại V trong những năm tới. Đồng thời đưa khu đô thị mới của Ba Vì trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương khu tây huyện Ba Tơ.

                                                                      Hữu Phát

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1799

Tổng số lượt xem: 5246930