Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ

Phân tích nhân vật Nguyệt trong tác phẩm: Mảnh trăng cuối rừng
Hình ảnh cô gái mở đường (minh họa)
Nguyệt nhân vật trong tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng là biểu tượng của tuổi trẻ trong thời đại Hồ Chí Minh một thời hiến dâng tuổi xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mối tình Nguyệt và Lãm trong tác phẩm là tình yêu lý tưởng, nó là tiếng nói khẳng định tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống chiến đấu của lớp trẻ. Tình yêu ấy như một sức mạnh lớn lao không gì tàn phá nổi, đó là tình yêu và niềm tin mãnh liệt cao cả của những con người một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong giai đoạn lịch sử đầy máu lửa vượt lên sự huỷ diệt để sống, chiến đấu và chiến thắng.

 

 

Chiến tranh không chỉ có khói lửa, bom đạn,  sự hy sinh mất mát, sự hủy diệt và những chiến công mà còn có tình yêu. Tình yêu thời chiến tranh thật là tuyệt đẹp, tình yêu ấy làm con người ta  vươn lên những giá trị  chân, thiện, mỹ của cuộc sống. “Mảnh trăng cuối rừng"  của nhà văn Nguyễn Minh Châu là câu chuyện lãng mạn về một tình yêu chân thành, tha thiết và dào dạt niềm tin  trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Lãm là một người lính lái xe nghiêm túc, đầy trách nhiệm với công việc. Lúc đầu, biết có một cô gái  xin đi nhờ xe, anh không chút thiện cảm và có ý nghĩ coi thường nhưng khi  nghe những câu trả lời với giọng bình tĩnh, cứng cỏi của cô gái  khiến anh  thay đổi suy nghĩ của mình bởi tiếng cô gái ấy đầy nữ tính song cũng đầy bản lĩnh.

 Nguyệt là cô gái mở đường có vẻ đẹp của ngoại hình  rất tuyệt từ "đôi gót chân trắng hồng" và tấm thân mảnh dẻ qua ánh đèn  của đoàn xe Lãm thấy đẹp rạng rỡ "ngời lên dưới ánh trăng”. Anh lái xe  linh cảm người con gái mình cần tìm gặp đang ngồi cạnh mình. Rất tự nhiên, vẻ đẹp của Nguyệt càng hiện lên lung linh hòa lẫn với trăng: "Từng sợi tóc của Nguyệt đều sáng lên. Mái tóc thơm ngát, dày và trẻ trung làm sao!" Lãm ở gần Nguyệt mà tưởng như ở trong mơ.

 

Cô gái mở Đường Trường Sơn (ảnh tư liệu)

 

Từ trìu mến đến cảm phục, Nguyệt đã chinh phục được trái tim Lãm trong khung cảnh đạn bom dữ dội với tất cả lòng dũng cảm, thông minh lòng vị tha quên mình vì người khác. Đẹp biết bao hình ảnh một người con gái mảnh mai, giản dị   mà  cứng cỏi, dũng cảm, đầy tinh thần trách nhiệm, thản nhiên như không trước bom rơi đạn nổ.  Cô rất áy náy vì đường cho xe đi không như muốn và thanh minh là "Chúng nó ném bom luôn, chúng em đã phải rải bao nhiêu đá mà đường sá còn ra thế”. Một câu nói đơn sơ nhưng là cả ý thức trách nhiệm với công việc.  Khi xe đi đến đoàn đường gặp khó khăn, Nguyệt bình tĩnh, thông minh giúp Lãm lái xe qua ngầm bảo vệ xe. Khi "đứng bám bên cánh cửa" hướng dẫn Lãm "đi đúng giữa hai hàng cọc tiêu", khi  "để cả quần áo thế, nhanh nhẹn lội phăng sang bên kia bỏ giúp Lãm cột dây tời vào gốc cây", khi nói rành rọt như người bên cạnh "anh ngoặt sang trái… trước mặt có hố bom đấy….”  Tiếng nói rành rọt trong trẻo của người con gái mở đường ấy có lẽ không chỉ có ý nghĩa với Lãm lúc ấy, mà sẽ còn vang vọng mãi qua bom đạn, qua thời gian. Và tình yêu trong Lãm cũng nhân lên từ đấy.

 Trước khi biết mặt nhau Nguyệt đã cảm mến Lãm qua câu chuyện Lãm trốn nhà đi bộ đội. Đến lượt mình trước khi Lãm biết xác thực về mình, cô đã vô tình "dậy lên trong Lãm" một tình yêu gần như mê muội lẫn cảm phục trước sự hy sinh cao cả, nghĩa tình biết nhận phần khó khăn về mình để bảo vệ anh lái xe, bảo vệ xe. Nguyệt đã không xuống xe chỗ cô cần xuống mà đưa Lãm đi tiếp sang bên kia sông bởi không thể bỏ Lãm lúc khó khăn. Khi máy bay ném bom, Nguyệt nhanh nhẹn đẩy Lãm ngã giúi vào một cái khe an toàn, không chịu vào khe, bởi một lí do rất đơn giản: “Anh bị thương thì xe cũng mất, anh cứ nấp đó!”.  Nguyệt mới chỉ quen Lãm trên một chặng đường, chưa biết tên, chỉ biết Lãm là một anh lái xe, thế mà cô sẵn sàng hy sinh vì Lãm, để bảo vệ xe,  đây chính là tinh thần dũng cảm hết mình vì đồng đội sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc

Nguyệt đẹp bởi vẻ đẹp ngoại hình, bởi vẻ đẹp của sự dũng cảm dám chấp nhận hy sinh. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, Nguyệt sẽ lẫn lộn trong vô vàn cô nữ thanh niên xung phong khác trong thời chống Mỹ. Ấn tượng mạnh mẽ  để lại sâu sắc nhất, khiến người đọc mãi trân trọng mà hướng tới nhớ về đó là sợi chỉ xanh óng ánh cô gìn giữ qua bom đạn, trong đáy sâu tâm hồn thủy chung, trong sáng  đó là tình yêu là niềm tin mãnh liệt vào một tình yêu chân chính. Cô yêu Lãm qua lời kể của chị Tính dẫu chưa hề biết mặt Lãm nhưng cô vẫn nguyện chung thủy với anh, "chỉ chờ được gặp anh". Dẫu có lúc Lãm đã quên lời hẹn ước. Nhưng với Nguyệt, Nguyệt không hề quên và bom đạn, thời gian, sự gian khổ hy sinh không bao giờ và không thể nào tàn phá nổi tình yêu trong tâm hồn người con gái ấy.

Niềm tin của Nguyệt vào tình yêu vô cùng trong sáng. Nguyệt và Lãm chưa hề biết nhau chưa hề đính ước. Nguyệt tự nguyện gắn bó thuỷ chung với mối tình đầu, ở Nguyệt lòng thủy chung như một ngọn lửa luôn cháy nóng trong mọi không gian, thời gian. Nó không hề thay đổi qua gian khổ,  năm tháng và đạn bom ác liệt của quân thù: “Tôi đứng bên bờ sông giữa cảnh một chiếc cầu đổ và lại tự hỏi: Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa cảnh bom đạn và tàn phá…vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao ? Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào vuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư ?”. 

 Có thể nói nhân vật Nguyệt trong tác phẩm  Mảnh trăng cuối rừng  là biểu tượng của tuổi trẻ một thời hiến dâng tuổi xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mang trong mình  lý tưởng trong sáng. Mối tình Nguyệt Lãm trong truyện là tình yêu lý tưởng, nó là tiếng nói khẳng định tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống chiến đấu của lớp trẻ. Tình yêu ấy như một sức mạnh lớn lao không gì tàn phá nổi.

                                                                         Văn Dũng

 

 
 
 
 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1161

Tổng số lượt xem: 3913475